Bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến thủy sản ở huyện Hoằng Hóa
Hoằng Hóa là huyện đồng bằng ven biển có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế thủy sản cả khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Vận hành hệ thống nước tại cơ sở sản xuất moi xuất khẩu của Công ty TNHH Thương mại thủy sản Long Dương tại xã Hoằng Trường.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hoằng Hóa luôn xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn và có nhiều chủ trương, giải pháp để thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế thủy sản, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng biển. Toàn huyện hiện có 979 phương tiện khai thác thủy sản và làm dịch vụ hậu cần, với tổng công suất 65.542 CV, trong đó có 132 tàu khai thác xa bờ. Diện tích nuôi trồng thủy sản hiện nay là 2.969 ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao là 136,4 ha. Tổng sản lượng thủy sản bình quân hằng năm (giai đoạn 2016-2020) ước đạt 23.230 tấn; giá trị sản xuất thủy sản đến năm 2020 của huyện ước đạt 881,7 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2015. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng thủy sản đạt 12.622 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ 2019.
Với những thế mạnh về hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, các hoạt động chế biến cũng vì thế mà phát triển gắn với người dân các xã vùng biển từ nhiều năm nay. Để giữ vững tiêu chí môi trường của một huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến thủy sản đã được cấp ủy, chính quyền và người dân huyện Hoằng Hóa triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm giúp địa phương giải quyết vấn đề này một cách lâu dài và bền vững. Theo đó, ngoài việc tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho Nhân dân, nhất là Nhân dân các xã vùng biển, huyện còn tích cực triển khai các giải pháp quản lý, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cơ sở chế biến thủy sản. UBND huyện đã tăng cường phối hợp cùng các ngành chức năng, chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đến từng cơ sở chế biến; yêu cầu tất cả các cơ sở ký cam kết bảo vệ môi trường; phải đảm bảo tất cả các chất thải phát sinh được thu gom, xử lý theo quy định. Các địa phương và mỗi người dân phát huy vai trò kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với những cơ sở có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.
Xã Hoằng Trường có 21 cơ sở chế biến thủy sản, trong đó có 1 cơ sở chế biến moi, 11 cơ sở sơ chế cá và 9 cơ sở chế biến sứa. Đa số các cơ sở đều đóng ở thôn Giang Sơn và hoạt động chủ yếu theo mùa vụ. Ông Lê Phạm Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, cho biết: Hoạt động chế biến thủy sản gây tác động đến môi trường, đặc biệt là tác động do nước thải sản xuất. Với đặc trưng nước thải chế biến thủy sản chứa nhiều hợp chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học và chiếm 85 - 90% tổng lượng nước thải, phát sinh từ hầu hết các công đoạn, nếu không có biện pháp xử lý và kiểm soát sẽ gây ô nhiễm đến nguồn tiếp nhận, nhất là các nguồn nước mặt, nước biển ven bờ, ô nhiễm nước ngầm và ô nhiễm mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ gây ra. Để bảo đảm vệ sinh môi trường, xã Hoằng Trường đã tuyên truyền, vận động, thông báo, yêu cầu chủ các cơ sở chế biến thủy sản phải xây dựng các bể lắng, thực hiện các quy định về xả thải ra môi trường, tránh tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường. Tuy nhiên, thực tế hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn do các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và mùa vụ.
Nằm ngay ở bến cá Hoằng Trường, cơ sở chế biến moi xuất khẩu của Công ty TNHH Thương mại thủy sản Long Dương, thôn Giang Sơn, bắt đầu hoạt động từ năm 2015 với công suất 630 tấn sản phẩm/năm. Đầu năm 2018, cơ sở đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 34 triệu đồng vì xả nước thải có chứa thông số vượt quy chuẩn ra môi trường. Ông Lê Văn Lý, giám đốc công ty, cho biết: Từ bài học sâu sắc đó, chúng tôi đã đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý môi trường theo đúng đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt với các hạng mục công trình xử lý nước thải như rãnh thu gom nước, bể tự hoại 3 ngăn 10m3 và bể lắng lọc công suất 25m3, bảo đảm toàn bộ nước thải sinh hoạt và sản xuất được thu gom, xử lý triệt để trước khi thải ra sông Lạch Trường; lắp đặt hệ thống xử lý bụi khí thải lò hơi, hệ thống chụp hút mùi... để khắc phục tình trạng khói bụi moi ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh. Đến nay, hệ thống xử lý nước thải, khí thải của đơn vị đã bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Hiện cơ sở đang tạm dừng hoạt động do chưa đến mùa vụ, tuy nhiên đơn vị đã và đang chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ hoạt động chế biến moi xuất khẩu, dự kiến bắt đầu từ khoảng tháng 9 âm lịch tới đây.
Hoạt động chế biến thủy sản ở Hoằng Hóa tuy đã có nhiều kết quả tích cực khi đã bắt đầu có những doanh nghiệp, đơn vị đầu tư dây chuyền, hoạt động bài bản, kết nối thị trường tiêu thụ rộng. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, hoạt động này với quy mô hộ gia đình vẫn chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Như ở xã Hoằng Phụ, với lợi thế có sẵn nguồn nguyên liệu từ các tàu thuyền khai thác thủy sản của ngư dân, kinh nghiệm chế biến nước mắm lâu đời và nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, bà con Nhân dân đã tích cực mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, toàn xã có khoảng 250 hộ chuyên làm nghề chế biến nước mắm tập trung chủ yếu ở 2 thôn Bắc Sơn và Hợp Tân. Sản lượng tiêu thụ hàng năm từ 800.000 - 900.000 lít nước mắm, tạo việc làm thường xuyên cho từ 500 - 600 lao động địa phương. Với quy mô hoạt động lớn, tuy nhiên các cơ sở nằm trong khu dân cư nên đã ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Nước thải mới chỉ được thu gom và xử lý qua song chắn và hố lắng, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung... Từ những bất cập đó, UBND huyện Hoằng Hóa đã có chủ trương xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại xã Hoằng Phụ, phục vụ cho khu vực và cụm công nghiệp phát triển nghề cá về sau này. Quy mô phục vụ của dự án thu gom, xử lý nước thải trước mắt sẽ xử lý nước thải của các cơ sở chế biến nước mắm; khối lượng nước thải phát sinh/ngày tại khu vực 2 thôn Hợp Tân và Bắc Sơn ước tính là 250m3/ngày... Tổng diện tích sử dụng đất cho hệ thống thu gom nước thải của dự án là 910m2 được lấy từ đất thủy lợi; diện tích dự kiến xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung là 10.636 m2 được lấy từ đất nuôi trồng thủy sản... UBND huyện Hoằng Hóa đã và đang đề nghị các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ để xã Hoằng Phụ thực hiện dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án xây dựng cụm công nghiệp phát triển nghề cá và dự án đường vào cụm công nghiệp...
Phát triển ngành nghề chế biến thủy sản là định hướng cần được khuyến khích để phát huy thế mạnh của các địa phương ven biển. Tuy nhiên, để giải quyết hiệu quả bài toán về môi trường thì việc quy hoạch, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật ở các cụm làng nghề chế biến thủy sản theo hướng tập trung chính là giải pháp lâu dài, góp phần khai thác, phát triển bền vững ngành nghề có lợi thế ở địa phương ven biển Hoằng Hóa.