Xác định rõ tính chất, tầm quan trọng của việc triển khai Luật Thủ đô trong tình hình mới

Sáng 14/11, tại Hội trường Thành ủy Hà Nội, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học 'Triển khai Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15): Những vấn đề lý luận và thực tiễn'.

Quang cảnh hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Quang cảnh hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì hội thảo. Cùng dự có đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội, các chuyên gia, đội ngũ trí thức, nhà khoa học.

Đồng chí Lê Hải Bình phát biểu khai mạc hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Đồng chí Lê Hải Bình phát biểu khai mạc hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lê Hải Bình nêu rõ: Ngày 28/6/2024, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so Luật Thủ đô năm 2012), trong đó, giao Chính phủ ban hành 6 nghị định, thành phố Hà Nội xây dựng, ban hành 114 văn bản để triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Hội thảo nhằm làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn, xác định rõ tính chất, tầm quan trọng của việc triển khai Luật Thủ đô đặt trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đẩy mạnh cải cách thể thể để phục vụ mục tiêu phát triển, tháo gỡ các điểm nghẽn, huy động được mọi nguồn lực để Thủ đô phát triển, đóng góp xứng đáng vào phát triển của đất nước thời kỳ bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo khoa học .

Quang cảnh hội thảo khoa học .

Trên cơ sở Luật Thủ đô, các tham luận, ý kiến gửi đến, trình bày tại hội thảo đã đề xuất xây dựng một hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Từ tổng kết thực tiễn, từ kinh nghiệm triển khai Luật Thủ đô năm 2012 thời gian qua, nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách cụ thể trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, vừa nhấn mạnh tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành, vừa làm rõ những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là yếu tố quyết định để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống và có tính khả thi, giá trị thực tiễn, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của việc thi hành Luật Thủ đô trong giai đoạn trước.

Tham chiếu kinh nghiệm quốc tế, so sánh giữa Luật Thủ đô với một số luật thủ đô một số nước trên thế giới, các tham luận gợi mở cho Hà Nội việc vận dụng những cơ chế, chính sách phù hợp vị trí, vai trò, chức năng của Thủ đô theo quy định Hiến pháp năm 2013; giúp Thủ đô thực hiện hiệu quả, rõ nét hơn chức năng, nhiệm vụ không những là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế.

Đại biểu tham luận tại hội thảo khoa học .

Đại biểu tham luận tại hội thảo khoa học .

Bằng những phân tích, nghiên cứu tình hình quốc tế và đất nước, nhiều tham luận đã đề cập những yêu cầu quản trị, phát triển đặt ra đối với Hà Nội - một thủ đô có quy mô dân số lớn so thủ đô các nước thế giới, của một quốc gia có quy mô dân số rất lớn, có nền kinh tế đang trong quá trình phát triển nhanh. Từ đó, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mới, có những cơ chế, chính sách chưa được quy định trong Luật Thủ đô, gợi mở việc tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về Thủ đô. Nhiều cơ chế, chính sách được đề xuất trong các tham luận phù hợp xu thế phát triển thời đại, phù hợp định hướng trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội lần thứ XIV của Đảng và quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng hệ thống văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô cũng đồng thời với quá trình xây dựng các chính sách, định hướng phát triển lớn của đất nước. Chính vì vậy, đặt ra nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu đóng góp vào những thể chế, chính sách lớn của đất nước mà trong Luật Thủ đô chưa đề cập. Nhiều ý kiến của các đại biểu tại hội thảo không chỉ dừng ở việc cụ thể hóa, triển khai thi hành Luật Thủ đô mà còn gợi mở nhằm đóng góp vào chủ trương, định hướng trong cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước thời kỳ mới.

Hoàng Lâm - Vương Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xac-dinh-ro-tinh-chat-tam-quan-trong-cua-viec-trien-khai-luat-thu-do-trong-tinh-hinh-moi-post844786.html