Bảo vệ môi trường từ những mô hình thiết thực

ĐBP - Trước thực trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động, nhiều mô hình tốt, cách làm hay về bảo vệ môi trường đã ra đời và duy trì hiệu quả khắp mọi miền đất nước. Tại Điện Biên cũng vậy, đặc biệt từ tháng 5/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 'Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa, giai đoạn 2021 - 2025', càng thu hút, khích lệ các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể và cả cộng đồng chung tay hưởng ứng. Từ những hành động nhỏ, thiết thực đã lan tỏa ý nghĩa lớn, góp phần gìn giữ, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Đoàn viên, thanh niên TP. Điện Biên Phủ hoàn thiện đồ chơi từ lốp xe đã qua sử dụng, tạo điểm vui chơi an toàn, lý thú cho thanh, thiếu nhi bản Hua Rốm, xã Nà Tấu.

Thời gian gần đây, phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường diễn ra sôi nổi khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Từ nhiều cơ quan, đơn vị thay nước uống đóng chai nhựa bằng chai thủy tinh tại các cuộc họp, hội nghị; đến thôn, bản, tổ dân phố thường xuyên tổ chức quét dọn đường làng, ngõ xóm, thu gom, phân loại vỏ lon, vỏ chai để bán gây quỹ hoặc tái sử dụng. Đặc biệt, với sự sáng tạo, nhiệt huyết, các trường học, đoàn thể như phụ nữ, thanh niên còn biến những phế liệu, đồ dùng đã qua sử dụng như lốp xe, chai nhựa, vỏ lon... trở thành những món đồ chơi, đồ dùng có giá trị, sống động, phục vụ thiết thực cho cuộc sống. Các mô hình hay được đánh giá cao và duy trì, nhân rộng có thể kể đến như: “Hành trình thứ 2 của lốp xe”, làm đồ chơi dân gian từ phế liệu, đồ chơi cho học sinh mầm non từ rác thải nhựa, tái chế rác thải nhựa thành gạch sinh thái, vườn hoa từ chai nhựa tái sử dụng, ngôi nhà xanh - ngôi nhà 200 đồng thu gom rác thải nhựa... Mỗi cơ quan, tổ chức, đoàn thể có những hoạt động khác nhau nhưng cùng hướng đến chung tay bảo vệ môi trường thực chất và hiệu quả.

Chiếm trên 50% dân số, phụ nữ là lực lượng quan trọng trong sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan trực tiếp đến môi trường. Nhiệm vụ bảo vệ môi trường được hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp gắn với các phong trào thi đua, đề án, cuộc vận động lớn của hội. Trong đó có Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trực tiếp góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), phong trào “Chống rác thải nhựa”, giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy...

Một mô hình điểm, sáng tạo mới được Hội LHPN tỉnh triển khai tại địa bàn huyện Mường Chà là tái chế rác thải nhựa thành gạch sinh thái. Hội viên phụ nữ huyện Mường Chà tham gia tích góp, làm sạch chai lọ nhựa đã qua sử dụng, nhồi túi nilon, vỏ túi bánh kẹo, cùng cát hoặc vải vụn vào trong chai. Đây chính là những viên gạch sinh thái sử dụng để xây bồn hoa, nhà vệ sinh, tường rào. Bà Đoàn Lan Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Chà cho biết: Việc làm gạch sinh thái rất đơn giản, mỗi hội viên đều có thể tự làm, lại có thể tận dụng vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế thải ra môi trường. Vì thế chúng tôi tích cực tuyên truyền, nhân rộng mô hình tới 12 xã, thị trấn, góp phần để từng cá nhân hội viên và người dân trên địa bàn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng các em học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cũng đã góp sức lan tỏa tinh thần sống xanh, bảo vệ môi trường với hoạt động “Đổi giấy lấy cây”. Năm thứ 3 tổ chức, mô hình được Câu lạc bộ Môi trường và Cộng đồng tổ chức trong 2 ngày (10 - 11/7). Khép lại chương trình, câu lạc bộ đã đưa được 500 cây cảnh để bàn xinh xắn về với chủ nhân mới, quy đổi từ bìa, giấy photo, vỏ lon, chai nhựa, sách, vở viết... Em Nguyễn Thảo Nguyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: “Những đồ vật có thể tái chế luôn ở xung quanh chúng ta, và có rất nhiều, rất đa dạng, nhưng nhiều người chưa biết cách tái chế, hạn chế xả rác ra môi trường. Vì thế qua hoạt động này, chúng em muốn truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, để nhiều người quan tâm đến môi trường và cộng đồng hơn. Một số đồ đổi được, chúng em sẽ tái chế, một số bán cho cơ sở thu mua phế liệu để chi trả kinh phí mua cây và tổ chức các hoạt động ý nghĩa khác vì cộng đồng, còn những cuốn sách có thể sử dụng được thì sẽ liên hệ tặng các bạn có hoàn cảnh khó khăn hay các trường (phù hợp với nhu cầu) trên địa bàn”.

Công tác tham gia bảo vệ môi trường cũng là một trong những nội dung được đoàn thanh niên các cấp quan tâm, đưa vào chương trình hoạt động thường xuyên. Phát huy vai trò xung kích, tiên phong, các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh đồng loạt tổ chức nhiều đợt ra quân và thường xuyên duy trì các hoạt động: Ngày chủ nhật xanh, thứ bảy tình nguyện, “Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới”... trong đó tập trung trồng, chăm sóc nhiều cây xanh, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, thu gom rác tại các điểm công cộng... Nhiều tổ chức đoàn xây dựng mô hình vườn hoa thanh niên, đường cây hoa ban, nhận khoanh nuôi bảo vệ trồng rừng, bảo vệ nguồn nước và tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về môi trường đến các đoàn viên, người dân trên địa bàn thông qua nhiều hình thức... Qua đó không chỉ góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp mà còn có ý nghĩa tích cực trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống tại địa phương.

Với nhiều mô hình ý nghĩa, thiết thực về bảo vệ môi trường được triển khai khắp các địa bàn đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, tạo thành phong trào được hưởng ứng tích cực, sáng tạo, linh hoạt ở nhiều địa phương, đoàn thể, cơ quan. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong ý thức, hành động của mỗi người dân về sống xanh, bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/198526/bao-ve-moi-truong-tu-nhung-mo-hinh-thiet-thuc