Bảo vệ nạn nhân của lừa đảo
Lừa đảo qua điện thoại không phải là mánh khóe mới mà đã xuất hiện nhiều năm ở Nhật Bản, bất chấp hàng loạt chiến dịch cảnh báo người dân về những rủi ro. Để bảo vệ người dân, nhất là người cao tuổi, chính quyền tỉnh Osaka, Nhật Bản, có kế hoạch triển khai biện pháp chưa từng có tiền lệ, nhằm ngăn chặn các vụ lừa đảo đặc biệt.
Một trong những trò lừa đảo phổ biến nhất là những kẻ lừa đảo giả làm đại diện ngân hàng và gọi điện cho các nạn nhân, cảnh báo rằng tài khoản của họ bị rút tiền quá mức, do đó phải hoàn tất chuyển khoản ngay lập tức để tránh một khoản phí ngân hàng lớn.
Một mánh khóe khác là kẻ lừa đảo tự xưng là người thân hoặc bạn bè của nạn nhân và gọi yêu cầu giúp đỡ. Trong khi có người nhận ra bị lừa thì vẫn còn nhiều người cao tuổi mắc lừa những đối tượng xấu.

Sử dụng máy ATM tại Nhật Bản. Ảnh: Japan Times/ Bloomberg
Theo Japan Times, ở thành phố Osaka thuộc tỉnh Osaka, phương thức gian lận phổ biến nhất là gian lận hoàn tiền. Nạn nhân nghe rằng sẽ được hoàn lại chi phí y tế và các chi phí khác.
Tội phạm gọi điện thoại cho họ hướng dẫn cách sử dụng máy ATM và yêu cầu chuyển tiền qua đó. Trong số này, khoảng 90% nạn nhân sử dụng điện thoại di động trước máy ATM. Với các vụ lừa đảo như vậy, nạn nhân không chỉ mất tiền mà còn bị tổn thương về mặt tinh thần.
Để hạn chế tác hại, chính quyền Osaka sẽ yêu cầu các tổ chức tài chính và doanh nghiệp tại Osaka đóng vai trò tuyên truyền chính. Cụ thể, các ngân hàng sẽ phải đặt các áp phích cảnh báo tại các chi nhánh và ATM, đồng thời nếu phát hiện giao dịch đáng ngờ phải báo ngay cho cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ áp dụng hạn mức chuyển tiền 100.000 yen (khoảng 700 USD)/ngày đối với người trên 70 tuổi, nếu họ không có lịch sử chuyển tiền trong 3 năm gần nhất. Chính quyền cũng đang thử nghiệm lắp đặt camera tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) tại các máy ATM nhằm hỗ trợ nhận diện rủi ro lừa đảo. Quy định sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8 tới, riêng quy định hạn mức chuyển tiền tại ATM sẽ được áp dụng từ tháng 10-2025.
Ngoài ra, các cửa hàng tiện lợi và nhà bán lẻ xác minh giao dịch mua thẻ tiền điện tử (prepaid e-money) trị giá từ 50.000 yen (348 USD) trở lên, trong bối cảnh xảy ra hàng loạt vụ lừa đảo liên quan việc mua thẻ và cung cấp mã cho kẻ gian. Nhân viên bán hàng sẽ hỏi một số câu để xác minh giao dịch bất thường như: ai yêu cầu mua thẻ, định gửi mã thẻ cho ai.
Biện pháp mới được đưa ra trong bối cảnh số vụ lừa đảo tại tỉnh Osaka có xu hướng gia tăng kể từ năm 2021. Năm 2024, tỉnh Osaka đã ghi nhận 2.658 vụ lừa đảo, gây thiệt hại khoảng 6,4 tỷ yen (44 triệu USD), mức cao nhất từng được thống kê. Trong đó, hơn 70% số nạn nhân trên 65 tuổi.
Hiện Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NPA) cũng đang xem xét áp dụng giới hạn giao dịch qua máy ATM đối với người từ 75 tuổi trở lên, với mức tối đa 300.000 yen (2.000 USD) mỗi ngày. NPA sẽ phối hợp Hiệp hội Ngân hàng toàn quốc Nhật Bản (JPA) cùng các cơ quan liên quan nhằm thúc đẩy việc sửa đổi các quy định trong Luật Phòng chống chuyển giao tài sản phạm tội.
Mục tiêu của biện pháp này là xây dựng cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai thống nhất giới hạn giao dịch đối với các tổ chức tài chính. Dự kiến, thời gian tới, NPA sẽ lấy ý kiến công khai, trước khi chính thức triển khai đề xuất trên.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-ve-nan-nhan-cua-lua-dao-post792537.html