Bảo vệ nạn nhân mua bán người: Đừng để vấn đề giới thành sự cản trở
Mua bán người là dạng tội phạm liên quan đến vấn đề giới và là một hình thức của bạo lực trên cơ sở giới. Vì thế, cùng với nguyên tắc trung tính về giới, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người cũng cần được nghiên cứu, bổ sung thêm một số biện pháp để thúc đẩy bình đẳng giới nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân.
Đàn ông cũng là nạn nhân của mua bán người
Ở Việt Nam hiện nay, một quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng nạn mua bán người chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, thực tế, nạn nhân của mua bán người hiện nay bao gồm cả nam giới và trẻ em trai. Theo số liệu của Bộ Công an đưa ra vào tháng 7/2023, giai đoạn từ năm 2011 đến 2020, mua bán người nạn nhân là nam giới chiếm 10%; giai đoạn từ năm 2018 đến hết năm 2022, mua bán người nạn nhân là nam giới chiếm 27%. Tính riêng trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, mua bán người nạn nhân là nam giới chiếm trên 40%.
Tại phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người (PCMBN) do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tháng 5/2023, thông tin từ các báo cáo cho thấy nạn nhân của mua bán người là nam giới chiếm tỷ lệ ngày càng cao, cá biệt có những địa phương có hơn 80% nạn nhân là nam giới.
Được biết, nội dung dự thảo Luật PCMBN sửa đổi đang được xây dựng theo hướng trung tính về giới, tương tự như cách quy định của Luật PCMBN năm 2011. Theo đó, các điều luật được thiết kế bảo đảm nguyên tắc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới để bảo đảm nam, nữ bình đẳng trong việc xác định nạn nhân; thụ hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân; chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân…
Nạn nhân là nữ giới, trẻ em gái thường chịu tác động kép
Mới đây, tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật PCMBN sửa đổi do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, theo ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, thực tế, nạn nhân các vụ mua bán người gần đây đã có cả nam giới, nhưng xét trên tổng thể toàn bộ quá trình xử lý vấn đề nạn nhân các vụ mua bán người, phải thừa nhận rằng, sau khi được giải cứu, hỗ trợ về lại gia đình và cộng đồng, so với nạn nhân nam giới, nạn nhân là nữ giới, trẻ em gái sẽ khó hòa nhập cộng đồng hơn, dễ trở thành “nạn nhân mới” của sự kỳ thị, phân biệt đối xử do chính gia đình, cộng đồng mà họ đang sống tạo ra.
“Một phụ nữ bị lừa bán ra nước ngoài làm nô lệ tình dục hoặc làm vợ, sau khi được giải cứu trở về nhà khả năng tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình là điều không đơn giản, vì quan niệm của xã hội còn khắt khe với phụ nữ hơn nam giới về vấn đề phẩm giá và trinh tiết. Vì vậy, cùng với nguyên tắc trung tính về giới, dự thảo Luật PCMBN cần được nghiên cứu, bổ sung thêm một số biện pháp cần thiết thúc đẩy bình đẳng giới nhằm hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân các vụ mua bán người là phụ nữ và trẻ em”, ông Lê Việt Trường nêu ý kiến.
Trình bày tại Hội nghị quan điểm dựa trên kết quả nghiên cứu của cá nhân, ThS. Vũ Thị Hường - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp nhận định, dự thảo Luật đang theo hướng trung tính về giới. Nói cách khác, các chính sách nói chung và chính sách hỗ trợ đối với phụ nữ và trẻ em gái đã được quy định trong dự thảo luật là ở ngưỡng mức ngang bằng cùng với các nhóm đối tượng khác, được áp dụng chung, không mang tính phân biệt đối xử về giới, không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, việc thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới.
Tuy vậy, từ góc độ nghiên cứu về giới tính, với cách tiếp cận “nhạy cảm giới” thì cũng cần có sự tính toán thêm về tác động của quy định này trong quá trình thực hiện trên thực tế, để từ đó có những hướng dẫn cụ thể, phù hợp với yếu tố đặc thù về thể chất, tâm lý, văn hóa, phong tục, thói quen… của phụ nữ và trẻ em gái.
“Trước hết, cần có những nghiên cứu kỹ hơn để đánh giá liệu phụ nữ và trẻ em gái có bị ảnh hưởng, bị tác động và bị xâm hại như nam giới và trẻ em nam hay không, xét về mặt tâm lý, thể chất và tinh thần. Liệu dư chấn của hành vi bị mua bán để lại cho họ có hoàn toàn giống nhau cả về mức độ, về thời gian và về hậu quả hay không. Nếu không, thì cần phải có những quy định và biện pháp cụ thể, phù hợp hơn (có thể ở tầm văn bản quy phạm pháp luật dưới luật hoặc văn bản hướng dẫn) để có thể bảo vệ họ một cách bình đẳng và thực chất, phù hợp với đặc điểm giới tính và lứa tuổi của họ, giúp họ thực sự có đủ năng lực và khả năng để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân mà pháp luật quy định cho họ”, theo ThS. Vũ Thị Hường...
Như vậy, có thể nói, cùng với nguyên tắc trung tính về giới, dự thảo Luật PCMBN cũng cần được nghiên cứu, bổ sung thêm một số biện pháp để thúc đẩy bình đẳng giới để hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân. Như quan điểm của ông Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp tại Hội nghị phản biện: “Dự thảo Luật PCMBN có quy định cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Đây là quy định tiến bộ, nhân văn, tuy nhiên để có tính toàn diện, bao quát hơn, nhận thấy việc mua, bán người, nhất là mua, bán có mục đích bóc lột tình dục, lấy bộ phận cơ thể người có thể gây ra nhiều nhất hậu quả về định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử trên phương diện giới. Bên cạnh đó, nạn nhân của sự kỳ thị, phân biệt đối xử không chỉ dừng lại đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân mà còn có thể hướng tới, tác động trực tiếp đến những người thân thích của họ, nhất là cha mẹ, vợ chồng, con. Do đó, đề xuất xem xét chỉnh lý quy định tại dự thảo Luật theo hướng cấm “kỳ thị, phân biệt đối xử về giới hoặc bất kỳ lý do nào khác đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người thân thích của nạn nhân, người thân thích của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”.