Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng | Chính trị | Chính trị | Phòng chống diễn biến hòa bình TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Chỉ trong mấy tháng đầu năm 2022 này, không ít cán bộ, cả cấp cơ sở lẫn cấp cao bị xem xét kỷ luật. Mới đây, cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam và đang tiếp tục điều tra mở rộng một số 'đại gia' trong lĩnh vực kinh tế cùng nhiều đồng phạm.
Thực tế cho thấy, Đảng và Nhà nước tiếp tục bền lòng chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm và càng không có ngoại lệ; từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; cụ thể hóa và thực thi Công ước quốc tế về chống tham nhũng theo đúng lộ trình, phù hợp với điều kiện và pháp luật của Việt Nam.
Nhằm khẳng định quyết tâm, ngày 6/4, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết luận mới này dựa trên kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí-càng cho thấy, "lò thiêu tham nhũng" luôn rực lửa.
Nhìn lại hành trình, nhất là hơn 5 năm qua, những thành quả quan trọng đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kết luận số 10-KL/TW được thực hiện vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa ngăn chặn hiệu quả tham nhũng, lãng phí. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều hạn chế, lãng phí trong cơ quan nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng. Tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn kịp thời. Vẫn còn xảy ra những vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp gây bức xúc trong dư luận.
Thực tiễn sinh động đã chứng minh, thời gian tới, để khắc phục những hạn chế, như Kết luận số 12-KL/TW cũng đã nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm, cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực,...
Muốn thế, cần kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí phù hợp hoạt động đặc thù của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan này.
VÀ tất nhiên, yếu tố then chốt vẫn là xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có dũng khí bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Cùng đó, xây dựng cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực.