Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ những việc làm cụ thể, thiết thực
Cuộc đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng (BVNTTT) của Đảng hiện nay có nhiều cấp độ, phương thức đa dạng, phong phú. Để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên (ĐV) cho đến mọi tầng lớp Nhân dân cần tích cực tham gia, có những đóng góp cụ thể, thiết thực, từ đó 'góp gió thành bão', góp phần đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
Công tác BVNTTT của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đó cũng chính là mỗi người góp phần bé nhỏ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Hiểu một cách đơn giản nhất, đó có thể từ những việc làm hàng ngày, vừa sức, phù hợp với trình độ, năng lực của mỗi người trong việc bảo vệ những giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu đạt được kể từ khi Đảng ta ra đời và lãnh đạo toàn diện công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Đó là việc tham gia, góp tiếng nói, ý kiến đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những thông tin xấu, độc, bôi nhọ, xuyên tạc về đất nước, con người Việt Nam cũng như các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đó là việc kiên định, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,...
Ví dụ, việc mỗi ĐV có thể làm là đóng góp ý kiến sát hợp, thẳng thắn, thực chất, hiệu quả vào hoạt động, sự đổi mới hoạt động của chi bộ, đảng bộ; đóng góp vào việc đề ra những kế hoạch hành động, chỉ tiêu, phương thức lãnh đạo phù hợp, sát thực tiễn, có điểm nhấn, sự đổi mới, tạo ra sự hứng khởi trong mỗi buổi họp chi bộ định kỳ hàng tháng, những chương trình hành động trong tháng, quí hay cả năm. Đó cũng chính là việc góp phần nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng ở cấp thấp nhất là chi bộ - cấp gần gũi, sát sườn, thấu hiểu nhất với mỗi ĐV cho đến từng người dân.
Việc nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cũng bắt nguồn từ chính mỗi ĐV giữ chức vụ luôn tận tâm, tận lực với công việc của Đảng, chính quyền; mạnh dạn đổi mới phương thức lãnh đạo, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công việc được giao, từ đó tạo những luồng xung lực tích cực trong công việc, tạo được sự tin tưởng của quần chúng.
Hoặc liên quan đến lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mỗi ĐV đều thực hiện những việc như thường xuyên tu dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng, xây dựng gia đình gương mẫu, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định tại nơi cư trú. Đó còn là việc mỗi cán bộ, ĐV nêu cao tinh thần trách nhiệm, mạnh dạn góp ý, đấu tranh với những ĐV, quần chúng khác có lối sống lệch chuẩn, có những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; góp ý với các ĐV trong chi bộ, những ĐV sinh hoạt hai chiều, những ĐV mình có quen biết trong xã hội thấy rõ việc cần phải cẩn trọng trong bàn tán, lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng, không xác thực, những thông tin xấu, độc liên quan đến công tác cán bộ, sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, các nguồn tin ấy xuất hiện trên không gian mạng, tại những thời điểm nhạy cảm. Lý do rất có thể đó chính là những thông tin xấu, độc, chủ đích chống phá, gây chia rẽ, mất đoàn kết, suy thoái niềm tin trong chính đội ngũ cán bộ, ĐV mà các thế lực thù địch phản động đang chủ đích nhắm tới.
Thậm chí, ngay cả việc có khi chỉ là sự khuyến cáo đối với các ĐV trong chi bộ cho đến người dân cần cẩn trọng khi tiếp nhận những thông tin quan trọng trên môi trường mạng đang đầy rẫy cạm bẫy khó lường, từ đó có sự kiểm chứng, thẩm định trước khi bày tỏ quan điểm, chính kiến hay lan truyền thông tin chính xác, tích cực, xây dựng,... Nếu mỗi cá nhân có sự thận trọng, đề cao cảnh giác trong việc tiếp nhận, lan truyền thông tin, nhất là những thông tin quan trọng liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng hoặc những vấn đề hệ trọng của đất nước thì mỗi ĐV nói riêng, mỗi công dân nói chung sẽ tạo được sức đề kháng giúp nhận diện thông tin xấu, độc, chống phá. Trên cơ sở đó có giải pháp phù hợp, vừa góp phần bác bỏ những luận điệu thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động, vừa tạo sự gắn kết, tin tưởng trong cộng đồng.
Một ví dụ nữa về những việc làm thiết thực, cụ thể, hết sức gần gũi với mọi tầng lớp Nhân dân, đó là những vấn đề liên quan đến quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; an sinh xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường;... Thời gian qua, có nhiều cá nhân đã làm tốt công tác thiện nguyện, góp phần chung tay vì người nghèo, người yếu thế trong xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, thu hút nhiều người cùng tham gia các hoạt động xã hội thường xuyên, đột xuất. Đó chính là những việc nhỏ thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Việc nhận diện, phê phán các biểu hiện lệch lạc trong xã hội và trên không gian mạng đang là vấn đề nhiều người quan tâm lo lắng, từ đó đặt ra câu hỏi: Chúng ta có thể và cần phải làm gì? Thực tế hiện nay, có những biểu hiện lệch chuẩn trong đời sống xã hội không phải là quá hiếm gặp, đó có thể là việc ứng xử thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, phát ngôn thiếu kiềm chế, những hành động không đẹp trong giao tiếp, những thiên kiến lệch lạc, thiếu tính xây dựng trong đời sống hàng ngày. Và trên không gian mạng, những vấn đề này còn phức tạp hơn nhiều. Không ít người, trước các thông tin vừa tiếp nhận dù chưa biết đúng hay sai đã vội vàng bày tỏ chính kiến, quan điểm hoặc chia sẻ rộng rãi. Thậm chí, đang xuất hiện một tình trạng khá phổ biến với người sử dụng mạng xã hội, đó là những gì tiêu cực, “độc lạ”,... thường gây sự thu hút, chý ý ngay từ khi nó xuất hiện, nảy sinh. Nhiều người cố tình lệch chuẩn trên mạng bằng những phát ngôn bừa bãi, vội vàng đăng tải bình luận hoặc những hình ảnh, video có nội dung hết sức phản cảm, thiếu văn hóa, gây chia rẽ, kích động, phá hoại,... Trước hiện tượng này, việc cần làm là mỗi cá nhân kịp thời nhận diện, phê phán, tẩy chay nội dung lệch chuẩn; đồng thời, chia sẻ, hướng dẫn những thành viên trong gia đình, đơn vị hoặc tập thể nơi mình làm việc hình thành kỹ năng để cùng nhau nhận diện, đấu tranh, tạo ra môi trường trong sạch, lành mạnh trên không gian mạng. Những việc tưởng chừng là nhỏ này cũng góp phần giúp mỗi người có ý thức khi phát ngôn và hành động để không gây ra những mối họa, phải trả giá bằng cả tinh thần và vật chất.
Còn rất nhiều việc cụ thể, hết sức gần gũi, sinh động, dễ gặp, dễ làm nhưng mang tới những tác dụng xã hội vô cùng to lớn. Nếu mọi cá nhân quan tâm thực hiện tốt sẽ góp phần thiết thực vào việc BVNTTT của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động.
Ngay cả những việc tưởng chừng là nhỏ, việc làm hàng ngày, chúng ta cũng cần nhìn nhận đúng đắn, khách quan, thấu đáo, tỉnh táo để thấy được bản chất, chân lý, từ đó có cơ sở vững chắc, khoa học, thuyết phục, xác đáng để đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt. Mỗi việc làm mà từng ĐV thực hiện hiệu quả chính là mạch nguồn, căn bản, gốc rễ của nhiệm vụ quan trọng này, góp phần BVNTTT của Đảng, bảo vệ chế độ. Và một khi mỗi người thực hiện tốt trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, Đảng, Nhà nước, Nhân dân chính là quá trình xây dựng những nguồn cội, căn cốt, bản chất để tạo thành sức mạnh to lớn, đủ sức đập tan mọi thông tin xấu, độc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, góp phần phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước ngày càng cường thịnh./.