Bảo vệ ngành mía đường
Đường giá rẻ, thậm chí cả đường lậu từ Thái Lan nhập vào thị trường trong nước đang làm cho nền sản xuất mía đường rơi vào cảnh lao đao. Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để phù hợp với các cam kết quốc tế, đồng thời để bảo vệ ngành mía đường Việt Nam.
Cục Phòng vệ thương mại (thuộc Bộ Công thương) vừa gửi bản câu hỏi điều tra dành cho nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài và Chính phủ Thái Lan trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị tất cả các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài có liên quan và Chính phủ Thái Lan tham gia, hợp tác đầy đủ trong suốt quá trình điều tra. Nội dung bản trả lời sẽ là căn cứ để Cơ quan điều tra xem xét và đưa ra kết luận điều tra của vụ việc.
Theo tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), lượng đường nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm nay lên tới trên 1 triệu tấn, trong đó khoảng 90% là đường Thái Lan, vượt sản lượng sản xuất trong nước.
Trước đó, vào ngày 21/9/2020, Bộ Công thương ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan.
Theo tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), lượng đường nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm nay lên tới trên 1 triệu tấn, trong đó khoảng 90% là đường Thái Lan, vượt sản lượng sản xuất trong nước. Hiện cả nước hiện chỉ còn 29 nhà máy hoạt động, sản lượng đường sản xuất là 913.397 tấn, giảm 405.979 tấn, tương đương 34,58% so với vụ trước.
Lượng lớn đường nhập khẩu từ Thái Lan đang tràn ngập thị trường khiến nguồn cung dư thừa, dẫn đến giá đường trên thị trường duy trì ở mức thấp, thấp hơn giá thành sản xuất. Đường sản xuất từ mía ở trong nước hầu như không tiêu thụ được.
Điều đáng lo ngại hơn khi mà một số doanh nghiệp (DN) ngành đường và DN chế biến thực phẩm - đồ uống vẫn đang nhập khẩu trực tiếp đường thô giá rẻ từ Thái Lan để luyện đường, hoặc dùng làm nguyên liệu chế biến. Về lâu về dài, việc đường Thái Lan giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn mỗi năm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá bán đường và sự “sống còn” của các DN ngành đường trong nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập từ Thái Lan phù hợp với các cam kết quốc tế. Đặc biệt là nên đưa sản phẩm đường vào nhóm hàng “đặc biệt nhạy cảm” của biểu thuế để được áp dụng điều khoản số 24 của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA).
Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp hành chính liên quan đến thương quyền phân phối đường trong nước mà Indonesia và Philippines đều đang áp dụng. Bởi hiện nay, ngoài Việt Nam thì Indonesia, Philippines được cho là các quốc gia trong ASEAN nhập khẩu đường khá lớn từ Thái Lan.
Theo các chuyên gia, Việt Nam chưa có các công cụ hữu hiệu để bảo vệ thị trường đường nội địa như các quốc gia lân cận, khi họ bằng nhiều cách khác nhau chỉ cho phép đường nhập khẩu được vào thị trường sau khi đường sản xuất từ mía trong nước đã được tiêu thụ.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh cho rằng, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là phù hợp với các cam kết quốc tế đối với mặt hàng đường nhập khẩu. Đặc biệt là cần làm rõ các khoản trợ cấp gây nên phá giá của mặt hàng đường Thái Lan để có điều tra phù hợp.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Hồng Dương, đại diện một doanh nghiệp sản xuất mía đường cũng khẳng định, các biện pháp phòng vệ là chính đáng, phù hợp thông lệ quốc tế để ngăn chặn dòng đường trắng giá rẻ đang vào Việt Nam, mà dự kiến trong năm nay là 1,2 triệu tấn, năm sau có thể lên tới 1,6 triệu tấn.
Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia đánh giá, việc dùng “đòn” phòng vệ cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Điều quan trọng là cần những giải pháp căn cơ hơn để ngành mía đường Việt trong tương lai có thể cạnh tranh sòng phẳng với đường Thái Lan.
Muốn làm được điều đó đòi hỏi ngành mía đường Việt Nam cần phải thu hẹp khoảng cách chênh lệch về chi phí sản xuất và công suất. Bởi thực tế, theo uớc tính chi phí sản xuất đường từ mía của Việt Nam hiện cao hơn 30% - 40% so với Thái Lan. Ngoài ra, công suất trung bình của các nhà máy tại Việt Nam mới chỉ tương đương với 1/3 công suất trung bình của Thái Lan.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bao-ve-nganh-mia-duong-547558.html