Bảo vệ người lao động trước dịch Covid-19
Ngay sau Tết Nguyên đán, khi dịch Covid-19 bùng phát, các cấp công đoàn trong cả nước đã kịp thời vào cuộc tích cực, chủ động, nỗ lực phối hợp các cơ quan liên quan, người sử dụng lao động nhằm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đoàn viên, người lao động (NLÐ) và cơ quan chức năng phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả rất đáng ghi nhận.
Ngay sau Tết Nguyên đán, khi dịch Covid-19 bùng phát, các cấp công đoàn trong cả nước đã kịp thời vào cuộc tích cực, chủ động, nỗ lực phối hợp các cơ quan liên quan, người sử dụng lao động nhằm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đoàn viên, người lao động (NLÐ) và cơ quan chức năng phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả rất đáng ghi nhận.
Nhằm tiếp tục đồng hành với Chính phủ, người sử dụng lao động và NLÐ trong việc triển khai những biện pháp quyết liệt hơn trong giai đoạn mới, Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam tiếp tục có công văn yêu cầu các chủ tịch LÐLÐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành ở T.Ư, công đoàn tổng công ty trực thuộc đề cao kỷ cương, trách nhiệm, chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Tổng LÐLÐ Việt Nam, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Theo đó, chú trọng tuyên truyền để người sử dụng lao động và NLÐ thực hiện nghiêm Hướng dẫn số 1133 của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá, khu nhà trọ của NLÐ bằng nhiều hình thức (áp-phích, tờ rơi, loa phát thanh, công nghệ thông tin...), nhằm truyền tải thông tin một cách chính xác, đơn giản, dễ hiểu để NLÐ hiểu rõ về tình hình dịch bệnh, phòng, chống dịch từ nhà, cũng như khi sử dụng phương tiện công cộng, ra chỗ đông người, tới nơi công sở, trong nhà máy.
Trong những lúc doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, là lúc cần sự chung tay, phối hợp, sẻ chia của công đoàn. Từ thực tiễn của địa phương, DN, đây là lúc công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động NLÐ nỗ lực chung tay cùng DN vượt khó; đề xuất các giải pháp hỗ trợ NLÐ về trông giữ, quản lý con trong thời gian học sinh nghỉ học. Bảo đảm việc làm thường xuyên, liên tục; xem xét, đề xuất giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ phép năm, trợ cấp ốm đau, hỗ trợ khó khăn... ổn định thu nhập của NLÐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ðề xuất người sử dụng lao động ở những DN có điều kiện tổ chức đào tạo lại để NLÐ chuyển đổi nghề nghiệp và thích nghi với tình hình mới.
Hiểu rõ nguy cơ và mức độ nguy hiểm nếu dịch Covid-19 phát sinh ở môi trường tập trung nhiều NLÐ, tổ chức công đoàn các cấp đã phối hợp chủ DN vào cuộc quyết liệt nhằm bảo vệ sức khỏe NLÐ - tài sản quý của DN, đồng thời chung tay bảo vệ cộng đồng. Trong đó, nhiều đơn vị đã có những sáng kiến, cách làm hay. Chẳng hạn, tại LÐLÐ tỉnh Tiền Giang, thông qua tổ chức công đoàn, hầu hết các DN trong tỉnh đã cấp miễn phí khẩu trang và dung dịch sát khuẩn cho công nhân, lao động (CNLÐ). Một số DN không tiếp cận được nguồn cung cấp khẩu trang và dung dịch sát khuẩn do khan hiếm hàng; thông qua các đối tác trong Chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, LÐLÐ tỉnh đã cùng các DN trang bị đủ hai mặt hàng nêu trên, không hạn chế số lượng với giá ưu đãi cho NLÐ. Tại tỉnh Long An, nhiều khu công nghiệp (KCN) có các chuyên gia nước ngoài, nhất là các chuyên gia tới từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc. LÐLÐ tỉnh chỉ đạo công đoàn cơ sở báo cáo đầy đủ các trường hợp nêu trên. Công đoàn các KCN tỉnh chủ động đề nghị chính quyền địa phương can thiệp, yêu cầu hoặc buộc nhiều chuyên gia nước ngoài thực hiện cách ly nghiêm túc. Cùng với đó, công đoàn các KCN trong tỉnh Long An thỏa thuận với các DN cho CNLÐ nghỉ 14 ngày cách ly được hưởng đầy đủ lương nếu có biểu hiện sốt. Khi trở lại làm việc, NLÐ được kiểm tra chặt chẽ tình hình sức khỏe. Tại Công ty TNHH Giày ChingLuh (KCN Thuận Ðạo, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) có 25 nghìn CNLÐ đang lao động, sản xuất, do đó, các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh là rất cấp thiết. Chính từ đòi hỏi trên, chủ DN cùng công đoàn cơ sở đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời sáng tạo những biện pháp riêng phù hợp tình hình sản xuất, kinh doanh của DN để NLÐ dễ hiểu và từ đó nâng cao ý thức phòng ngừa. Dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 vừa qua, thay vì trao quà tặng nữ CNLÐ như mọi năm, công đoàn công ty đã trao khẩu trang và nước rửa tay. Hằng ngày, công đoàn phối hợp phát phiếu khảo sát về lịch trình và sức khỏe của mỗi đoàn viên, NLÐ. Tại mỗi dây chuyền sản xuất, NLÐ được đeo khẩu trang mầu khác nhau để dễ kiểm soát và cách ly khi cần. Còn tại Công ty JNTC (Phú Thọ), ngoài các biện pháp phòng, chống dịch như: yêu cầu NLÐ phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, kiểm tra thân nhiệt trước khi vào công ty, công đoàn còn phối hợp lãnh đạo DN thực hiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín uống sôi, nâng cao chất lượng bữa ăn, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho NLÐ. Nhân viên nhà bếp trong suốt quá trình chế biến, phục vụ bữa ăn tuyệt đối không được tháo khẩu trang và găng tay. Hằng ngày, việc cập nhật thông tin liên quan dịch Covid-19 để tuyên truyền tới NLÐ, được công ty coi là một trong các nội dung quan trọng trong cuộc họp giữa ban giám đốc và quản lý các bộ phận.
Kiên trì và thực hiện đúng phương châm phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay là: khẩn trương, kiên quyết, bình tĩnh, đúng mực, không chủ quan, không chần chừ, chủ động phát hiện và ngăn chặn triệt để, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, các cấp công đoàn sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN bảo vệ NLÐ và chiến thắng dịch bệnh.