Bảo vệ người tiêu dùng trước thách thức mới
Hơn 8.000 cuộc gọi khiếu nại của người tiêu dùng đã được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tiếp nhận xử lý trong 9 tháng năm 2020 cho thấy sự gia tăng các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, cùng với mặt tích cực của kinh tế số, những vi phạm trên môi trường thương mại điện tử đang đặt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những thách thức mới.
Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ trước khi đặt mua sản phẩm qua mạng internet. Ảnh: Đỗ Tâm
Gia tăng vi phạm
Thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay, qua tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng (18006838), nội dung khiếu nại nhiều nhất liên quan tới các dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, tín dụng tiêu dùng; hàng hóa tiêu dùng hằng ngày; dịch vụ điện thoại, viễn thông... Nếu như năm 2011, tổng đài này chỉ nhận được 26 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại thì năm 2019 có 9.295 cuộc gọi và trong 9 tháng năm 2020 đã có hơn 8.000 cuộc gọi.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, giai đoạn 2017-2019, số lượng cuộc gọi đến tổng đài 18006838 tăng 10%/năm. Bình quân có trên 1.000 vụ việc khiếu nại được giải quyết trong một năm, song đơn vị này cũng thừa nhận, số lượng cuộc gọi còn rất khiêm tốn so với thực tế giao dịch. Còn có nhiều người tiêu dùng bỏ qua các vi phạm của nhà sản xuất, nhà phân phối do tâm lý sợ phiền hà, mất thời gian hay nghi ngại năng lực, hiệu quả xử lý khiếu nại.
Từ góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn An Khanh (ở tổ 15, phường Gia Thụy, quận Long Biên) cho biết, chị thường xuyên mua hàng hóa qua mạng. Không ít lần chị nhận được sản phẩm không đúng với giới thiệu của bên bán hàng trực tuyến, đã yêu cầu họ bồi thường, nhưng không thỏa đáng và chị Khanh đành chấp nhận cho qua, vì cho rằng mất thời gian, công sức mà hiệu quả có thể không như mong muốn.
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng lý giải: “Các vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử diễn biến phức tạp khi ngày càng nhiều người lựa chọn phương thức mua sắm trực tuyến. Là giao dịch trực tuyến nên các vi phạm về hàng hóa không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng, quảng cáo sai sự thật, không có hóa đơn chứng từ…, nên khó kiểm soát”.
Từ thực tế nghiên cứu, bà Phạm Quế Anh, đại diện dự án Bảo vệ người tiêu dùng khu vực ASEAN của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho biết, theo Chỉ số trao quyền cho người tiêu dùng trong ASEAN, mức độ trao quyền cho người tiêu dùng tại Việt Nam hiện đạt 82,96 điểm, tương đương mức trung bình trong khu vực. Do vậy, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của cơ quan chức năng trong việc bảo vệ người tiêu dùng.
Doanh nghiệp đồng hành cùng người tiêu dùng
Thời gian qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày càng được cải thiện, song những diễn biến mới của đời sống xã hội, cùng sự gia tăng của các hình thức giao dịch mới đang đặt vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước nhiều thách thức.
Số liệu thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2019, lực lượng thanh tra chuyên ngành về thương mại điện tử đã kiểm tra trên 2.400 trường hợp, xử lý trên 2.200 vụ vi phạm, xử phạt hơn 16,9 tỷ đồng. Còn trong 9 tháng năm 2020, lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính với số tiền 173 triệu đồng trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, sau gần 10 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tạo ra hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, song đến nay, luật đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đáng chú ý, một số quy định không phù hợp với mô hình thương mại điện tử, nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện chưa có chế tài. Do đó, cần sớm sửa đổi luật này nhằm tạo cơ sở pháp lý với mọi hành vi vi phạm.
Trong bối cảnh quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm với phạm vi rộng; các hành vi xâm phạm đa dạng, tinh vi, việc bảo vệ người tiêu dùng cần sự tham gia tích cực, chủ động của toàn xã hội, trong đó có vai trò, trách nhiệm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Từ thực tế tại đơn vị mình, ông Hoàng Thế Nhu, Giám đốc điều hành Tổng công ty cổ phần May 10 - Công ty cổ phần cho biết, công ty sử dụng mã số, tem chống hàng giả, sợi chống hàng giả… trên từng sản phẩm, giúp khách hàng dễ dàng nhận biết sản phẩm thật, giả. Còn đại diện sàn thương mại điện tử Shopee cho hay, đơn vị cam kết bảo vệ tối đa quyền lợi của người dùng và xử lý sai phạm khi phát hiện hoặc nhận được các thông tin phản ánh có căn cứ xác thực.
Nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền giáo dục và cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng. Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cho biết, Bộ đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường hỗ trợ người tiêu dùng; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường hàng hóa, dịch vụ.