Bảo vệ nguồn nước

Ở Tây Nguyên, thực trạng diện tích rừng bị thu hẹp nhanh chóng, suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái nguồn nước mặt, suy giảm nguồn nước ngầm và khả năng lọc nước tự nhiên, xói mòn.

Sự phát triển diện tích cây công nghiệp và cây ăn trái có nhu cầu tưới tiêu lớn ở Tây Nguyên (cà-phê, hồ tiêu, điều, sầu riêng, bơ...) trong hơn 30 năm qua; vấn đề biến đổi khí hậu và nguy cơ hạn hán; việc phát triển hạ tầng, đô thị hóa, việc tăng diện tích nhà kính trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng ảnh hưởng nguồn nước, tăng nước chảy tràn, suy giảm lượng nước mưa ngấm trực tiếp vào đất, giảm nguồn nước bổ sung cho mạch nước ngầm; là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng thiếu hụt nguồn nước mà Tây Nguyên đang phải đối mặt.

Trong khi ở Ðồng bằng sông Cửu Long, giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn nước và việc chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản, nuôi tôm đã thể hiện bước đầu sự thành công trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, thì vấn đề về sử dụng nước có hiệu quả, hợp lý ở vùng Tây Nguyên vẫn chưa có giải pháp cụ thể, rõ ràng.

Theo các chuyên gia, ngoài những lý do từ thiên nhiên, từ biến đổi khí hậu thì thực trạng ngày càng thiếu hụt nguồn nước ở Tây Nguyên là do con người, do phá rừng để trồng cây công nghiệp, không giữ được nước mà tiêu tốn nguồn nước hơn cho việc tưới tiêu. Bởi vậy, cần phải cân bằng trong việc bảo vệ và sử dụng nguồn nước. Vậy, muốn sử dụng nguồn nước hợp lý, hiệu quả, phát triển nông nghiệp Tây Nguyên bền vững thì phải chọn những giải pháp bền vững.

Trong đó, cần nhấn mạnh các giải pháp như: Ða dạng các loại cây trồng, nhiều lớp, nhiều tầng, nhiều tán; phục hồi rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng, quy hoạch rừng, nâng cao độ che phủ, phát triển kinh tế rừng, nông-lâm kết hợp để giữ nguồn nước; phát triển nông nghiệp tuần hoàn; phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; sản xuất nông nghiệp thuận theo tự nhiên; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm…

Nhấn mạnh thêm một lần nữa, việc quan trọng là các tỉnh Tây Nguyên cần đánh giá một cách khoa học quá trình thích nghi trong phát triển nông nghiệp để lựa chọn các loại cây trồng phù hợp; nghiên cứu sản xuất và áp dụng vào thực tiễn những giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, giải quyết vấn đề trước mắt là sử dụng các công nghệ tiên tiến tưới nước tiết kiệm cũng là việc cần làm.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/bao-ve-nguon-nuoc-225855.html