Bảo vệ nguồn nước hệ thống sông Ðồng Nai
(Tiếp theo và hết) (*)
Bài 2 Chung tay bảo vệ môi trường dòng sông
Ðể bảo vệ và phát triển bền vững lưu vực hệ thống sông (LVHTS) Ðồng Nai, các địa phương đã triển khai nhiều cách làm hay và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, trả lại sự trong lành vốn có cho cả hệ thống sông Ðồng Nai, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, cần sự chung tay của cả cộng đồng...
Cơ hội hồi sinh những dòng sông
Những năm gần đây, để khai thác và bảo vệ môi trường sông Bé, Hạt Kiểm lâm Bù Ðốp (tỉnh Bình Phước) thực hiện "lộ trình" tái tạo hệ động - thực vật qua việc đầu tư trồng rừng gáo và tràm nước trên 500 ha đất bán ngập, đồng thời bảo vệ những khu rừng hiện hữu. Khi rừng bán ngập phủ kín, các loài chim, thú hội tụ về đây sẽ tạo sự đa dạng là điều kiện thuận lợi để Bình Phước phát triển du lịch sinh thái. Ðể đáp ứng tuần tra bảo vệ rừng theo đường sông và phục vụ du lịch, Hạt Kiểm lâm Bù Ðốp được trang bị một chiếc thuyền 330 mã lực. Thuyền có thể chở được 60 du khách đi du ngoạn trên lòng hồ thủy điện Cần Ðơn hay luồn sâu trong rừng già hoặc đưa du khách đến những "ốc đảo" có hệ động - thực vật phong phú.
Ngoài ra, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hệ thống sông Ðồng Nai, từ năm 2014, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định phê duyệt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trong đó, giải pháp trọng tâm là thành lập tổ nghề cá và tăng cường thả cá vào các hồ tự nhiên. Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đánh giá, việc thành lập tổ để đưa khai thác thủy sản thành hoạt động có tổ chức, có sự giám sát, quản lý của ngành chức năng và chính quyền các cấp đã hạn chế được việc khai thác thủy sản bằng những hình thức tận diệt.
Ghi nhận ý kiến từ các ngư dân, họ rất yên tâm khi tham gia tổ nghề cá vì được cơ quan chức năng hỗ trợ về nhiều mặt. Ngư dân Ngô Văn Ðược ở xã Minh Lập (huyện Chơn Thành) nói: "Trước đây, người dân đánh bắt cá theo kiểu mạnh ai nấy làm, không nghĩ tới việc phải bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khi được tư vấn, tôi và một số anh em ngư dân trong vùng đăng ký tham gia theo quy chế hoạt động riêng".
Ðồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp (KCN) và hàng chục cụm công nghiệp đang hoạt động, với hàng nghìn doanh nghiệp có lượng xả thải hơn 127.000 m3/ngày. Việc kiểm soát xả thải được ngành chức năng tỉnh Ðồng Nai chú trọng thực hiện, nhất là sau các vụ xả thải gây ô nhiễm lưu vực sông Ðồng Nai khiến dư luận cả nước bức xúc. Ðể bảo vệ hệ thống sông Ðồng Nai, thời gian qua, tỉnh Ðồng Nai đã phối hợp các tỉnh, thành phố giáp ranh và các bộ, ngành T.Ư thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt. Khoảng 20 năm trước, Tỉnh ủy Ðồng Nai đã có chủ trương di dời, chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 có tổng diện tích 335 ha, nằm sát bờ sông Ðồng Nai. Do ra đời từ năm 1963 nên hạ tầng KCN này xây dựng theo công nghệ cũ, thiếu hệ thống xử lý nước thải đồng bộ. Hiện, mỗi ngày các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 xả hơn 9.000 m3 nước thải, nhưng chỉ có hơn 1.000 m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý. Phần còn lại được các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Ðồng Nai.
Năm 2008, UBND tỉnh Ðồng Nai đề xuất chuyển đổi công năng của KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ. Năm 2009, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, tỉnh Ðồng Nai đã ban hành lộ trình thực hiện với tổng kinh phí dự kiến hơn 15.700 tỷ đồng. Nhưng từ đó đến nay, việc chuyển đổi KCN này không có bước tiến triển nào vì thiếu cơ chế triển khai. Mới đây, ngày 28-1-2021, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN nước ta. Ðây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Ðồng Nai có thể thực hiện các thủ tục di dời các doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động của KCN lâu đời nhất cả nước. Qua đó, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường lưu vực sông Ðồng Nai và chỉnh trang đô thị ven sông khu vực này.
Ðể hạn chế tác động ô nhiễm môi trường trên sông Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm. Ðến nay, toàn bộ 37 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng của thành phố đã hoàn tất việc xử lý ô nhiễm triệt để hoặc đã di dời, ngưng hoạt động (đạt 100%), cụ thể có 21 cơ sở đã ngưng hoạt động sản xuất, di dời và 16 cơ sở đã hoàn tất việc xử lý ô nhiễm. TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu phân vùng chất lượng nước theo các chỉ số chất lượng nước (WQI) và đánh giá khả năng sử dụng các nguồn nước sông, kênh rạch trên địa bàn. Thành phố triển khai thống kê dữ liệu các nguồn gây ô nhiễm từ nước thải công nghiệp trên địa bàn các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và các quận 4, 7, 9, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp,… nhằm đánh giá và xác định sơ bộ mức độ ô nhiễm do nước thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp trên LVHTS Ðồng Nai. Ngoài ra, thành phố tổ chức điều tra, thống kê các điểm xả thải trực tiếp ra các kênh/rạch thuộc lưu vực sông Sài Gòn - Ðồng Nai; tính toán tải lượng ô nhiễm của các chất thải đổ vào các kênh/rạch; lập bản đồ GIS quản lý, giám sát điểm xả thải trực tiếp ra các kênh/rạch... Ðể đấu tranh hiệu quả tình trạng khai thác cát trái phép, từ năm 2019, TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Tiền Giang, Long An, Ðồng Nai, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất phối hợp thực hiện "Ðề án phòng, chống khai thác cát trái phép vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa các tỉnh". Theo đó, lực lượng chức năng các địa phương sẽ cùng phối hợp thông tin, phối hợp truy bắt và xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép, nhất là tại các vùng giáp ranh giữa các địa phương.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 157/2008/QÐ-TTg thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường LVHTS Ðồng Nai để chỉ đạo và điều phối việc triển khai thực hiện Ðề án sông Ðồng Nai. Ủy ban gồm 23 thành viên là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và 11 địa phương trên LVHTS Ðồng Nai. Ðến nay, Ủy ban đã tổ chức 13 phiên họp nhằm đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Ðề án bảo vệ môi trường LVHTS Ðồng Nai đến năm 2020 tại từng địa phương; thống nhất kế hoạch triển khai tại từng địa phương và trên toàn lưu vực sông.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, trong thời gian qua, Ủy ban Bảo vệ môi trường LVHTS Ðồng Nai đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường LVHTS Ðồng Nai. Kết quả đạt được rất đáng khích lệ, nhưng vẫn còn một số hạn chế khiến hiệu quả hoạt động của Ủy ban chưa cao như việc phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Ủy ban chưa như mong muốn. Ủy ban đã xác định rõ hơn các nhiệm vụ bảo vệ môi trường LVHTS Ðồng Nai trong giai đoạn tới một cách cơ bản, bài bản và hiệu quả hơn. Trong đó, cần thông qua quy chế phối hợp giữa 11 địa phương với quan điểm không chỉ phối hợp trong lĩnh vực bảo vệ nguồn nước mà còn trong các vấn đề môi trường tổng thể toàn LVHTS Ðồng Nai. Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, trong đó có đề xuất Chính phủ đề án bảo vệ môi trường các lưu vực sông, bao gồm bảo vệ môi trường LVHTS Ðồng Nai. Chúng ta cần xây dựng hoàn thiện pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn gắn với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học…; tăng cường kiểm soát ô nhiễm, chủ động kiểm soát các nguồn ô nhiễm lưu vực sông Ðồng Nai thông qua công cụ quan trắc tự động, quan trắc định kỳ của các tổ chức, cá nhân.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ðồng Nai, Ðặng Minh Ðức, các địa phương trong lưu vực sông Ðồng Nai cần tập trung kiểm soát chất lượng nước thải và cập nhật nguồn thải có lưu lượng xả thải từ 200 m3/ngày trở lên để đánh giá toàn diện mức độ tiếp nhận chất thải của HTLVS. Ngoài ra, cần tăng cường các hình thức trao đổi thông tin; tăng cường công tác thanh kiểm tra, nhất là địa bàn giáp ranh; đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động để chủ động kiểm soát nguồn xả thải và chất lượng nguồn nước.
PGS, TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng: "Ðể bảo vệ LVHTS Ðồng Nai, cần sớm lập quy hoạch bảo vệ môi trường toàn lưu vực, trong đó xác định rõ nguồn ô nhiễm, nguồn suy thoái; đưa ra dự báo đến năm 2030, đồng thời đánh giá mức độ chịu tải ô nhiễm từng con sông để đưa ra kế hoạch bảo vệ từng con sông. Nếu bảo vệ được từng con sông, từng tiểu vùng thì sẽ bảo vệ được cả LVHTS Ðồng Nai. Cần có tổ chức điều phối hoạt động bảo vệ LVHTS Ðồng Nai đủ mạnh, có tài chính mới nâng cao được hiệu quả bảo vệ hệ thống sông Ðồng Nai. Ngoài ra, cần giám sát chặt chẽ nguồn xả thải trong KCN, trong khu dân cư, xử phạt thật nặng hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường để tăng tính răn đe. Cần tăng cường bảo tồn, tránh xâm hại và khai thác các khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển. Ðặc biệt, để bảo vệ môi trường hệ thống sông Ðồng Nai, cần có sự hỗ trợ, chung tay của cả cộng đồng".
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 23-2-2021.