Bảo vệ nguồn nước ngầm
HNN - Trước thực trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và sự gia tăng khai thác thiếu kiểm soát, TP. Huế đang đối diện với nguy cơ suy giảm nguồn nước dưới đất. Để ứng phó kịp thời với tình trạng này, UBND thành phố đã công bố danh mục các vùng cấm, hạn chế khai thác và bảo vệ nguồn nước này.

Nhiều doanh nghiệp ở TP. Huế hiện nay tận dụng giếng khoan, khai thác nước ngầm để trồng trọt
Suy giảm rõ rệt
TP. Huế được chia làm hai vùng địa chất thủy văn chính: Vùng núi phía Tây có trữ lượng nước dưới đất hạn chế và vùng đồng bằng ven biển phía Đông, nơi có tiềm năng khai thác lớn nhưng lại dễ bị xâm nhập mặn. Các tầng chứa nước chủ yếu thuộc hệ tầng Kainozoi, đặc biệt là trầm tích Pleistocen với khả năng lưu trữ và truyền dẫn nước khá tốt. Tuy nhiên, tình trạng khai thác không kiểm soát đang dần làm cạn kiệt nguồn nước ở nhiều khu vực.
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cho thấy, nhiều doanh nghiệp hiện đang khai thác nước ngầm với quy mô lớn. Đơn cử như Công ty CP Agry tại Phong Hiền với lưu lượng khai thác 365m³/ngày đêm, Công ty CP Lâm nghiệp 1-5 (phường Phong Thái) với 615 m³/ngày đêm, Công ty TNHH Chăn nuôi Hoàng Vân (xã Lộc An) đang khai thác khoảng 190m³/ngày đêm.
Bên cạnh đó, hàng nghìn giếng khoan và giếng đào nhỏ lẻ phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp đang tồn tại ở các địa phương, nhất là tại các xã ven biển vùng đầm phá Tam Giang, như xã Vinh Lộc (sáp nhập từ các xã Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Giang Hải, Vinh Hiền thuộc huyện Phú Lộc cũ); hay các vùng đồi thuộc TX. Hương Thủy và huyện Nam Đông (cũ), nơi hệ thống cấp nước tập trung chưa phủ kín và phần lớn người dân vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước giếng khoan.
Ông Lê Văn Tam ở thôn Diên Trường, xã Vinh Lộc thông tin, hiện nay, chỉ tính riêng ở xã Vinh Hưng (cũ) đã có hơn 200 giếng khoan, tận dụng nguồn nước ngầm để tưới cây cối, hoa màu, nhất là vào mùa khô. Sở dĩ bà con ở đây dùng giếng khoan là do các vùng trồng màu mùa khô thường phân bố trên vùng bàu trằm cát và cát pha… Trong khi đó, nguồn nước mặt trên các tuyến kênh thủy lợi nội đồng vào mùa khô không đủ để bơm tưới nước. Hơn nữa, hệ thống kênh thủy lợi nội đồng thường nằm xa vùng trồng hoa màu nên bà con phải dùng giếng khoan, khai thác nước ngầm để tưới cây, rau màu. Chính việc dùng giếng khoan năm này qua năm khác vừa làm sụt giảm mực nước ngầm, đồng thời còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước bên phá Tam Giang.
Tại phường Phú Xuân, kết quả quan trắc cho thấy, mực nước động trong giếng khoan có thể hạ với độ sâu từ 12,3m xuống 16,3m vào mùa khô. Một số khu vực, như TX Hương Trà, Hương Thủy và huyện Phú Vang, Quảng Điền (cũ) cũng ghi nhận hiện tượng hạ thấp mực nước, có vị lợ hoặc màu đục, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Cấm và hạn chế vùng khai thác nước ngầm
Trước thực trạng trên, ngày 30/6/2025, UBND TP. Huế đã ban hành Quyết định số 2001/QĐ-UBND về việc công bố 2 vùng cấm khai thác và 135 khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược quản lý tài nguyên nước gắn với phát triển bền vững.
Về vùng cấm khai thác, có hai khu vực được xác định là: Xã Phong Xuân (cũ) nay thuộc phường Phong Điền với diện tích 0,76km². Xã Hương Lộc (cũ) nay thuộc xã Khe Tre với diện tích 0,004km². Ở khu vực này sẽ cấm hoàn toàn mọi hoạt động thăm dò, khai thác, kể cả với mục đích sinh hoạt.
Đối với vùng hạn chế khai thác, gồm nhiều khu vực rải rác khắp các huyện, thị xã, quận (cũ) trước đây. Các vùng này chủ yếu nằm trên tầng chứa nước qh (Quaternary Holocene), vốn có cấu trúc yếu và khả năng phục hồi chậm. Tại những khu vực này sẽ không cấp mới giấy phép khai thác nước dưới đất, không cho phép khoan giếng mới trừ trường hợp thay thế giếng cũ hợp pháp.
Theo lãnh đạo Sở NN&MT, các đơn vị, ngành chức năng đang thông báo công khai phạm vi, thời điểm áp dụng vùng cấm và hạn chế; tăng cường kiểm tra các đơn vị, cá nhân khai thác không phép hoặc vượt quá lưu lượng cho phép. Bên cạnh đó, xây dựng phương án khắc phục, như trám lấp các giếng bỏ hoang, giếng vi phạm hoặc gây ô nhiễm tầng nước; đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ giúp người dân, đơn vị, doanh nghiệp trong khu vùng cấm, hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm chuyển sang sử dụng nguồn nước sạch, hợp lý trong sản xuất kinh doanh và sinh hoạt…
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/bao-ve-nguon-nuoc-ngam-155984.html