Bảo vệ nguồn nước ngầm quý giá

Nước là tài nguyên quý nhưng không vô tận. Trong đó, nước dưới đất (còn gọi là nước ngầm) có đóng góp không nhỏ phục vụ nhu cầu cuộc sống của con người. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, tài nguyên nước dưới đất đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ các hoạt động của con người và quá trình tự nhiên trên bề mặt, nên cần có giải pháp quản lý, khai thác hiệu quả để biến thứ vô hình này thành tài sản hữu hình.

Kỹ thuật viên Công ty Cổ phần cấp nước Lào Cai kiểm tra nguồn nước 2 lần/tháng.

Kỹ thuật viên Công ty Cổ phần cấp nước Lào Cai kiểm tra nguồn nước 2 lần/tháng.

Công ty Cổ phần cấp nước Lào Cai là đơn vị được cấp phép khai thác nước dưới đất với công suất lớn nhất, 1.000 m3/ngày - đêm, với 1 giếng khoan tại phường Pom Hán (thành phố Lào Cai). Ngoài ra, có một số đơn vị được cấp phép khai thác, sử dụng nước dưới đất nhỏ lẻ phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số hộ và một số cơ quan, tổ chức tại khu vực đô thị với tổng lượng khai thác 115 m3/ngày - đêm. Toàn tỉnh hiện có hơn 300 công trình cấp nước khai thác từ nguồn nước dưới đất phục vụ sinh hoạt nông thôn, với tổng lượng khai thác khoảng 11.000 m3/ngày và hơn 32.700 công trình khai thác nhỏ lẻ (trong đó khoảng 31.800 giếng đào và 887 giếng khoan). Trên địa bàn tỉnh còn có 1 công trình được cấp giấy khai thác, sử dụng nước dưới đất phục vụ cấp nước cho sản xuất công nghiệp với công suất 30 m3/ngày - đêm thuộc Nhà máy Chế biến rau, quả xuất khẩu Mường Khương.

Dù được cấp phép khai thác nguồn nước dưới đất với công suất lớn nhất, tuy nhiên Công ty Cổ phần cấp nước Lào Cai chỉ khai thác tối đa từ 700 đến 800 m3/ngày - đêm do lưu lượng nước dưới đất có xu hướng giảm, nếu tăng công suất khai thác có thể dẫn tới tụt giếng khoan. Trung bình 2 lần/tháng, kỹ thuật viên của công ty sẽ lấy mẫu nước, xét nghiệm, kiểm tra để đáp ứng nguồn nước an toàn cho khoảng 5.000 đến 6.000 người sử dụng.

Lào Cai có tiềm năng nước dưới đất khá phong phú, tổng trữ lượng có thể khai thác khoảng 630 triệu m3/năm. Lượng nước dưới đất hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu khai thác sử dụng cho sinh hoạt, công nghiệp và du lịch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với địa hình miền núi, nước chứa chủ yếu trong các thành tạo khe nứt nên mức độ chứa nước không đồng đều, do vậy cần có những nghiên cứu chi tiết trước khi đặt các lỗ khoan khai thác nước dưới đất.

Kết quả điều tra thực địa và đánh giá chất lượng nước theo 76 mẫu phân tích của dự án điều tra, khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh năm 2019 - 2020 cho thấy, nước dưới đất về cơ bản đạt quy chuẩn QCVN 09-MT:2015/BTNMT, hầu hết trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và suy giảm mực nước dưới đất. Số liệu quan trắc tới nay cho thấy mực nước về cơ bản chịu ảnh hưởng lên xuống theo lượng mưa.

Theo ước tính đến năm 2030, tổng lượng nước cần dùng cho các lĩnh vực trong tỉnh là 1.682 triệu m3/năm, trong đó lớn nhất là nhu cầu nước cho sản xuất công nghiệp, sau đó đến nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và thấp nhất là nhu cầu nước cho lĩnh vực y tế. Để quản lý và khai thác hiệu quả nguồn nước dưới đất, trong Quy hoạch nguồn tài nguyên nước tỉnh Lào Cai giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định, đánh giá và công bố vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Đây là những khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao hoặc đã bị ô nhiễm, mực nước ngầm bị suy giảm không đủ điều kiện khai thác, trong khu vực đã có nước sạch. Ngoài ra, các đơn vị khai thác nguồn nước dưới đất đều phải có giấy phép. Tính đến hết tháng 3/2022, UBND tỉnh đã cấp 74 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Trong quá trình thẩm định các hồ sơ cấp phép khai thác nước dưới đất, xả nước thải, cơ quan thẩm định luôn xem xét, đánh giá kỹ các yếu tố và khả năng ảnh hưởng của công trình khai thác, xả nước thải đối với tài nguyên nước mặt, nước dưới đất của khu vực…

Tài nguyên nước dưới đất là nguồn tài nguyên tái tạo nhưng không phải là vô tận. Nguồn tài nguyên này khó bị ô nhiễm hơn nước mặt nhưng một khi đã bị ô nhiễm thì rất khó khắc phục, đòi hỏi phải có thời gian dài và tốn kém kinh phí. Bà Nguyễn Thị Vi Huế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Giải pháp được xem là hiệu quả lâu dài để hạn chế khai thác nước ngầm là hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch ở nông thôn, vùng sâu, vùng cao. Các địa phương phải ưu tiên nguồn lực cho kế hoạch phát triển mạng lưới cấp nước, làm việc với đơn vị cấp nước sạch, đảm bảo cấp nước đủ nhu cầu, ổn định chất lượng tại các vùng hạn chế khai thác nước ngầm. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin, dữ liệu về nước dưới đất, các hướng dẫn chi tiết về bảo vệ nguồn nước dưới đất để nâng cao nhận thức của người dân...

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/354366-bao-ve-nguon-nuoc-ngam-quy-gia