Bảo vệ nguồn nước ở sông, kênh, rạch

Nhằm bảo đảm các mục tiêu sử dụng nước, an ninh nguồn nước và xử lý kịp thời các xung đột môi trường (MT) thì việc phát triển bền vững, quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước hiệu quả trở thành yêu cầu cấp thiết.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng nguồn nước

Tỉnh có nguồn nước mặt dồi dào từ hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt. Nhờ đó, các hoạt động liên quan đến nguồn nước như sinh hoạt của con người, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông thủy, du lịch được thuận lợi.

Công tác bảo vệ nguồn nước các sông, kênh, rạch, hồ được quan tâm thực hiện. Tỉnh thường xuyên yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng công nghiệp, khu dân cư phải xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải và thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra MT. Các cấp, các ngành chuyên môn cũng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi xả nước thải không bảo đảm quy chuẩn ra sông, kênh, rạch gây ô nhiễm MT.

Nhiều tuyến kênh, rạch ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh nằm trong danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ

Nhiều tuyến kênh, rạch ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh nằm trong danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ

Theo Sở Tài nguyên và MT tỉnh Long An, định kỳ hàng tháng, ngành chuyên môn quan trắc chất lượng nguồn nước tại nhiều vị trí sông, kênh, rạch. Theo Kế hoạch về quan trắc chất lượng MT tỉnh giai đoạn 2021-2025 thì ở hệ thống kênh, rạch chính trên địa bàn tỉnh, có 25 vị trí thực hiện quan trắc MT; nước mặt ở các sông có 68 vị trí quan trắc MT. Tần suất quan trắc của kênh, rạch chính và mặt nước sông là 6 lần/năm vào các tháng: 02, 4, 6, 8, 10, 11.

Quan trắc nguồn nước mặt định kỳ, liên tục sẽ giúp phát hiện kịp thời ô nhiễm MT, nguy cơ ô nhiễm và đánh giá được diễn biến, tình hình. Căn cứ vào kết quả quan trắc qua các đợt, Sở Tài nguyên và MT đều có thông báo đến UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tỉnh phối hợp liên vùng để theo dõi, thực hiện các giải pháp bảo vệ MT nguồn nước.

Mặt khác, trong công tác bảo vệ nguồn nước sông, kênh, rạch, hồ, các cấp, các ngành cũng tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, địa phương quan tâm, chủ động nạo vét, khơi thông các tuyến kênh, rạch bị bồi lấp bởi cỏ, rác, bùn, lục bình để tạo sự thông thoáng dòng chảy, hạn chế ứ đọng làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.

Bên cạnh những kết quả thì nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông, kênh, rạch, hồ vẫn tiềm ẩn, có lúc, có nơi còn xảy ra tình trạng xả thải từ sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm. Mặt khác, tình trạng xây dựng lấn chiếm sông, kênh, rạch vẫn còn. Cùng với đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu khai thác, sử dụng nước ngày càng tăng, tài nguyên nước đang đối mặt với nguy cơ suy kiệt. Tại địa bàn tỉnh, điều đó càng thấy rõ qua những mùa hạn, mặn gần đây. Cùng với nhiều giải pháp thì việc lập hành lang bảo vệ nguồn nước ở các sông, kênh, rạch, hồ có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, góp phần giúp địa phương chủ động hơn trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Lập hành lang bảo vệ nguồn nước

Ngày 25/6/2024, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ gồm có 71 sông, kênh, rạch; 12 ao, hồ, nguồn nước trong khu bảo tồn. Đối với các tuyến sông, kênh, rạch lập hành lang bảo vệ nguồn nước thì huyện Tân Hưng có 10 tuyến, Vĩnh Hưng 6 tuyến, Mộc Hóa 4 tuyến, Tân Thạnh 12 tuyến, Thạnh Hóa 6 tuyến, Đức Huệ 2 tuyến, Đức Hòa 9 tuyến, Thủ Thừa 8 tuyến, Bến Lức 10 tuyến, Tân Trụ 3 tuyến, Châu Thành 6 tuyến, Cần Đước 5 tuyến, Cần Giuộc 11 tuyến, thị xã Kiến Tường 3 tuyến và TP.Tân An 8 tuyến. Tổng chiều dài của tất cả các tuyến sông, kênh, rạch được lập hành lang bảo vệ nguồn nước là 1.247km, phạm vi lập hành lang bảo vệ cả hai bên bờ trái, bờ phải và tùy vào mỗi tuyến có khoảng cách khác nhau.

Trong đó, những tuyến kênh có năng lực tưới cho diện tích từ hơn 20.000-25.000ha gồm có: Kênh 79 điểm đầu xã Vĩnh Đại và điểm cuối xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng (dài 37km); kênh 79 qua xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường (dài 9,2km); kênh 79 điểm đầu xã Tân Thành và điểm cuối xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa dài 12,3km; kênh Hai Hạc điểm đầu xã Tân Thành, điểm cuối xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh (dài hơn 21km);... Ngoài ra, các tuyến sông chính Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây qua các địa phương và kênh Bảo Định qua TP.Tân An cũng nằm trong danh mục lập hành lang bảo vệ nguồn nước.

Đối với 12 ao, hồ, nguồn nước trong khu bảo tồn phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước nằm ở các huyện: Tân Hưng 3 địa điểm, Mộc Hóa 2 địa điểm, Đức Huệ 2 địa điểm, Thạnh Hóa 1 địa điểm, Vĩnh Hưng 1 địa điểm và TP.Tân An 3 địa điểm. Tổng diện tích mặt nước của những ao, hồ, nguồn nước này hơn 6.224ha. Trong đó, có những khu vực có diện tích mặt nước lớn như Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng), Khu bảo tồn Đa dạng sinh học Đồng Tháp Mười và Làng nổi
Tân Lập (huyện Mộc Hóa),... Ngoài ra, tại địa bàn TP.Tân An, các hồ công viên TP.Tân An (phường 3), hồ Bảo Định (phường 4) cũng nằm trong danh mục lập hành lang bảo vệ nguồn nước. Phạm vi lập hành lang bảo vệ tùy vào địa điểm, tuy nhiên nằm ở mức từ 10-30m.

Ngành chức năng thường xuyên khảo sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng nguồn nước mặt ở các kênh, rạch, sông

Ngành chức năng thường xuyên khảo sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng nguồn nước mặt ở các kênh, rạch, sông

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm, chức năng hành lang bảo vệ nguồn nước của các tuyến sông, kênh, rạch là để bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; đồng thời, có nhiều tuyến, đoạn sông, kênh, rạch trùng với hệ thống công trình thủy lợi nên được lập, quản lý hành lang bảo vệ theo pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi.

Đối với hành lang bảo vệ nguồn nước ao, hồ, nguồn nước trong khu bảo tồn, ngoài các chức năng trên còn nhằm mục đích bảo vệ sự ổn định không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước.

Huyện Tân Hưng có Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng sen với diện tích mặt nước bảo vệ là 5.030ha. Việc bảo vệ nguồn nước ở đây rất quan trọng vì nơi này có hệ sinh thái đa dạng với hơn 150 loài thực vật, 148 loài chim gồm nhiều loài có tên trong Sách Đỏ; 78 loài thủy sản nước ngọt, trong đó có 27 loài đặc hữu sông Mekong như cá tra dầu, cá lóc bông, cá thác lác, cá linh,... Khu vực này có tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 2.000ha, trong đó diện tích rừng chiếm gần 1.200ha, chủ yếu là rừng tràm.

Còn Khu bảo tồn Đa dạng sinh học Đồng Tháp Mười, diện tích mặt nước bảo vệ là 1.020ha. Nơi đây có hệ sinh thái đặc trưng đa dạng với nhiều cây dược liệu quý, được ví là “rừng thuốc” giữa Đồng Tháp Mười./.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bao-ve-nguon-nuoc-o-song-kenh-rach-a179087.html