Bảo vệ nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ
Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa, vựa trái cây và thủy sản của cả nước đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang và đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi miền nam kiểm tra một số công trình thủy lợi tại xã Gò Quao-tỉnh An Giang.
Khi biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp, đô thị và gia tăng sản xuất nông nghiệp cùng lúc tạo áp lực nặng nề lên môi trường nước, việc kiểm soát và quản lý chất lượng nguồn nước không còn là khuyến nghị, mà là yêu cầu cấp bách.
Theo ông Phạm Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Biển, thực trạng hiện nay tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy sự phát triển kinh tế diễn ra rất mạnh mẽ, với sự bùng nổ của các khu công nghiệp, nhà máy, và mở rộng nhanh chóng của các khu dân cư. Cùng với đó là nhu cầu nước ngày càng tăng, nhưng song song là lượng , sản xuất, công nghiệp cũng đang gia tăng. “Khi doanh nghiệp nâng chỉ tiêu sản xuất thì việc kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng nước thải phải được thực hiện nghiêm ngặt”, ông Tùng nhấn mạnh.

Năm 2025, theo đánh giá của Viện Kỹ thuật Biển, thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, mùa mưa đến sớm từ tháng 4 đã mang đến lượng nước dồi dào từ thượng nguồn, một tín hiệu tích cực giúp cải thiện nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt trong khu vực. Tuy nhiên, ông Tùng cũng cảnh báo: “Cần nhìn nhận khách quan rằng các nguy cơ ô nhiễm nguồn nước vẫn hiện hữu, đặc biệt từ sản xuất công nghiệp, sinh hoạt đô thị và sản xuất nông nghiệp thâm canh”.
Nguồn nước chịu áp lực kép: từ lượng thải công nghiệp chưa xử lý triệt để, tới dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Cộng với việc dân cư tăng nhanh, hệ thống xử lý nước thải tại nhiều nơi còn lạc hậu. Nếu không có hành động đồng bộ và quyết liệt, chất lượng nguồn nước sẽ ngày càng xuống cấp kéo theo hệ lụy cho sản xuất, sức khỏe và đời sống người dân.
Để ứng phó với thách thức này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và các công ty thủy lợi nhằm giám sát thường xuyên chất lượng nguồn nước. Những dữ liệu thực địa sẽ là cơ sở để ra khuyến cáo kịp thời, giúp nông dân chủ động trong sản xuất và ứng phó với biến động khí hậu.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giải pháp lâu dài nằm ở việc đầu tư hạ tầng thủy lợi hiện đại và đồng bộ. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam từ một nước thiếu ăn vươn lên thành quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới là nhờ đầu tư hạ tầng nông nghiệp, đặc biệt là thủy lợi hợp lý và hiệu quả. Muốn sản xuất bền vững, năng suất cao, chất lượng ổn định thì không thể bỏ qua vai trò cốt lõi của hệ thống thủy lợi.”
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dự án trọng điểm như: Xây dựng cống ngăn mặn, hệ thống hồ chứa nước ngọt, trạm bơm đa năng và mạng lưới quan trắc tự động, đặc biệt tại các vùng ven biển có nguy cơ xâm nhập mặn cao như Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Ông Phạm Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kỹ thuật biển cũng nhấn mạnh: Bảo vệ nguồn nước không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý, mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Người dân cần được tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng nước tiết kiệm, xử lý nước thải đúng cách, và tham gia vào hệ thống giám sát cộng đồng. Doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành chế biến, công nghiệp nhẹ, phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, tuyệt đối không xả thải trực tiếp ra sông ngòi.
Ông Tùng cũng cho biết: “Việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong quản lý nguồn nước như mô hình nông nghiệp thông minh, hệ thống cảnh báo mặn-ngọt tự động, xử lý nước bằng vi sinh… cũng đang được đẩy mạnh trong các chương trình phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường với các viện nghiên cứu và địa phương”.
Hiện nay, 95% nguồn nước của Đồng bằng sông Cửu Long đến từ sông Mê Kông, trong khi chỉ 5% là nội sinh. Điều này càng đòi hỏi việc triển khai các giải pháp đồng bộ, đảm bảo khả năng ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết nước thông minh, tránh nguy cơ ô nhiễm và ứng phó hiệu quả với khô hạn hay nước biển dâng.