Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, yếu thế khi đầu tư trái phiếu, hợp tác kinh doanh
Ngày 25/11, Tạp chí điện tử Hòa Nhập tổ chức Tọa đàm với chủ đề 'Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, yếu thế khi đầu tư trái phiếu, hợp tác kinh doanh, tiết kiệm linh hoạt trên các nền tảng ứng dụng công nghệ'.
Muôn kiểu huy động vốn khiến nhà đầu tư rủi ro
Theo nội dung đề dẫn tọa đàm, trong thời gian qua, hàng loạt vụ án liên quan đến lừa đảo mua bán cổ phần, ủy thác quản lý, trái phiếu ảo, hợp tác đầu tư, gửi tiền tiết kiệm linh hoạt trên các ứng dụng công nghệ như một công ty tài chính khiến nhiều nhà đầu tư bất an.
Vừa qua, Bộ Công an đã đưa ra kết luận điều tra liên quan đến một số tập đoàn lớn thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo nhà đầu tư thông qua mua trái phiếu doanh nghiệp và thâu tóm ngân hàng để chiếm đoạt tài sản thông qua các công ty sân sau qua các hợp đồng vay vốn…
Bên cạnh đó, hiện nay, một hiện tượng đang diễn ra khá phổ biến đó là nhiều doanh nghiệp đăng tải các thông tin quảng cáo về các ứng dụng công nghệ gửi tiền linh hoạt với lãi suất hấp dẫn. Các doanh nghiệp này câu kéo người dân dùng ứng dụng và đầu tư với số tiền chỉ từ vài chục nghìn đồng. Trên các nền tảng ứng dụng này thì người dùng (hay còn được gọi là nhà đầu tư) được cam kết với mức lãi hấp dẫn, có thể thanh toán tiền, có thể rút tiền một cách linh hoạt…
Sự đa dạng của các mô hình huy động vốn nêu trên khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng ngậm trái đắng khi không thể lấy được tiền của mình đã đầu tư, thậm chí có nguy cơ mất trắng. Qua thực tế có thể thấy, những nhà đầu tư này thường là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, thậm chí thuộc nhóm yếu thế.
Hiện nay, mâu thuẫn lợi ích giữa các nhà đầu tư (cán bộ, công chức nghỉ hưu, người hưởng lương từ ngân sách, thương bệnh binh, người khuyết tật) với nhiều doanh nghiệp lớn diễn ra hết sức phức tạp. Dẫn đến, các nhà đầu tư bức xúc, tụ tập biểu tình, tại các trụ sở cơ quan Nhà nước.
Trên tinh thần thượng tôn pháp luật và thực hiện nhiệm vụ là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Tạp chí điện tử Hòa Nhập phối hợp với các tổ chức Tư vấn pháp luật và các chuyên gia tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, yếu thế khi đầu tư trái phiếu, hợp tác kinh doanh, tiết kiệm linh hoạt trên các nền tảng ứng dụng công nghệ”.
Tham dự Tọa đàm, Luật sư Nguyễn Xuân Sang – Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Quang Công Lý cho biết: Đối với huy động vốn qua hình thức trái phiếu có thư bảo lãnh thì cần xác định đó là loại bảo lãnh nào. Bảo lãnh phát hành hay bảo lãnh thanh toán thay nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Trường hợp nếu là bảo lãnh phát hành thì đây là loại bảo lãnh cho tổ chức phát hành về việc đơn vị bảo lãnh sẽ mua hoặc phân phối hết trái phiếu do tổ chức phát hành đưa ra. Do đó sẽ không bảo đảm thanh toán cho nhà đầu tư trái phiếu khi tổ chức phát hành không thanh toán gốc và lãi trái phiếu.
Nếu là bảo lãnh thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư, khi xảy ra tình trạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu không thanh toán gốc lãi trái phiếu thì Nhà đầu tư có thể yêu cầu đơn vị bảo lãnh thanh toán thực hiện nghĩa vụ doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Nếu doanh nghiệp không thực hiện bảo lãnh thì Nhà đầu tư có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu đơn vị bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ.
Cũng theo Luật sư Đặng Phương Chi – Văn phòng Luật sư TGS, trách nhiệm của đơn vị đảm bảo là đảm bảo thanh toán cho nhà đầu tư khi tổ chức phát hành không thể thực hiện thanh toán được. Cụ thể, nếu tổ chức phát hành trái phiếu không đủ tiền để thanh toán hoặc không thực hiện được thanh toán theo cam kết, đơn vị đảm bản sẽ phải thực hiện thanh toán thay cho tổ chức phát hành. Chính vì vậy, việc được bảo lãnh thanh toán của một trái phiếu có ý nghĩa lớn vì giúp tăng tính an toàn, độ tin cậy và thu hút nhà đầu tư.
Thông tư số 07/2015/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng quy định về các điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và quyền và nghĩa vụ của bên bảo lãnh có quy định về trách nhiệm của đơn vị phát hành thư bảo lãnh.
Cần chế tài pháp lý để bảo vệ nhà đầu tư
Luật sư Đặng Phương Chi cho biết: Đối với các hợp đồng được giao kết giữa các bên thường khá dài và có rất nhiều điều khoản do vậy nhiều khách hàng hiện nay thường không đọc kỹ hợp đồng trước khi ký mà chỉ hoàn toàn tin tưởng vào những lời tư vấn của nhân viên. Việc khách hàng không đọc kỹ, không hiểu các quy định về cách tính lãi suất, mức gửi tối thiểu, điều kiện tất toán trước hạn, thời hạn áp dụng ưu đãi… khiến khách hàng hiểu sai hoặc hợp đồng có những điều khoản gây bất lợi cho nhà đầu tư dẫn đến các bên phát sinh tranh chấp và nhà đầu tư thường là bên bị thiệt hại, nhóm bị thiệt hại thường là người yếu thế (cán bộ công chức nghỉ hưu trên 60 tuổi, thương bệnh binh, người khuyết tật).
Pháp luật tuy đã có quy định về việc bảo vệ thông tin cá nhân nhưng thực tiễn cho thấy việc bảo vệ thông tin cá nhân hiện nay chưa thực sự hiệu quả, vẫn tồn tại tình trạng các thông tin cá nhân của khách hàng như: Địa chỉ, số căn cước công dân, số điện thoại, các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng… bị lộ dẫn tới tình trạng khách hàng bị gọi điện làm phiền, mất tiền trong tài khoản sau khi làm theo hướng dẫn của một số đối tượng nặc danh nhân viên ngân hàng…
Đối với các ứng dụng gửi tiền tiết kiệm được phát hành bởi các công ty tài chính, căn cứ theo quy định tại Phụ lục được bổ sung bởi Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 được bổ sung bởi Khoản 5 Điều 3 Luật sửa đổi Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự 2022 quy định về danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, loại hình này không được xem là loại hình kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, các quy định về ngành nghề còn tương đối hạn chế, chính vì vậy, cần bổ sung thêm các quy định của pháp luật liên quan đến ngành nghề kinh doanh này.
Cũng theo Luật sư Đặng Phương Chi, việc đặt tên các công ty dễ gây hiểu lầm cho các nhà đầu tư. Vậy cần có quy định rõ ràng hơn về sự minh bạch trong thông tin của doanh nghiệp. Theo đó, tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 18 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 đã quy định khá chặt chẽ về tên doanh nghiệp và các trường hợp bị cấm, tên gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, quy định tại Luật Doanh nghiệp là những quy định chung áp dụng có hầu như đối với các loại hình doanh nghiệp cũng như đối các lĩnh vực kinh doanh. Như vậy, gần như không có quy định cụ thể nào cách đặt tên của các công ty tài chính.
“Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên xem xét bổ sung thêm các quy định về việc đặt tên các công ty dễ gây hiểu lầm là công ty tài chính, bảo đảm các doanh nghiệp hoạt động trên tinh thần thượng tôn pháp luật; bảo đảm sự công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp và quản lý hành chính Nhà nước…” - Luật sư Đặng Phương Chi nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đến từ tổ chức Tư vấn pháp luật cũng đã lắng nghe, trao đổi với người dân những quy định của pháp luật liên quan đến các vấn đề bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, yếu thế, để người bị hại không tham gia tụ tập đám đông tại trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước. Đồng thời, các chuyên gia pháp lý cũng đã tư vấn, giải pháp những câu hỏi để giúp người bị hại thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật trong việc bảo vệ quyền lợi và tài sản của mình.