Bảo vệ, nhân rộng diện tích dược liệu dưới tán rừng
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, diện tích rừng lớn và có nhiều loài cây dược liệu nên khả năng phát triển cây dược liệu tại Bình Thuận được đánh giá là rất cao. Do vậy, việc bảo vệ, nhân rộng và phát triển diện tích dược liệu dưới tán rừng là điều cần thiết để vừa bảo tồn nguồn gen, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay Bình Thuận chưa có một nghiên cứu, điều tra cơ bản, toàn diện để thống kê chính xác số loài thực vật có thể sử dụng làm dược liệu. Các nghiên cứu về lĩnh vực này thời gian qua chủ yếu ở dạng đơn lẻ do các cá nhân, tổ chức đam mê với cây dược liệu và phần lớn được thống kê từ người dân địa phương sống ven rừng.
Mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Từ thông tin mà các tổ chức, cá nhân cung cấp, bước đầu xác định tại khu vực rừng phía Bắc của tỉnh có cây dược liệu ở khá đa dạng, như: bí kỳ nam (hay còn gọi cây tổ kiến, trái bí kỳ nam, kiên kỳ nam), huyết rồng (còn gọi hồng đằng, huyết đằng, cây dây máu), tắc kè đá (còn gọi cốt toái bổ). Ngoài ra còn có hà thủ ô, kim tiền thảo, xáo tam phân, tứ bạch long, an xoa, râu mèo (còn gọi cây bông bạc), mật nhân, ngũ gia bì, gừng gió, bụt giấm... Đặc biệt, có các loài có giá trị kinh tế cao như sâm bố chính, ba kích, nấm lim xanh.
Khu vực rừng trung tâm cũng xuất hiện khá nhiều các loài dược liệu như nấm linh chi, sa nhân, xuyên tâm liên, hoàng đằng, cốt toái bổ, cam biển, củ mài. Riêng khu vực miền núi phía Nam của tỉnh với khí hậu thuận lợi, mưa nhiều, có kiểu rừng đặc trưng là rừng gỗ lá rộng thường xanh, vì thế các loài cây dược liệu ở đây có sự đa dạng hơn với khoảng có 350 loài dược liệu. Trong số này, có 9 loài cây thuốc đã được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, gồm Củ mài gừng, cốt toái bổ, thổ phục linh, kim cang, lan kim tuyến, lệ dương, ngũ gia bì, ngải rợm và râu hùm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, chưa có địa phương nào trong tỉnh thực hiện mô hình trồng cây dược liệu, chỉ có những tiểu thương thu gom, mua lại các sản phẩm dược liệu từ rừng thông qua người dân khai thác, sau đó bán ra lại thị trường. Năm vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai mô hình nuôi trồng một số loài dược liệu dưới tán rừng, gồm: nấm linh chi, khoai mài, sâm bố chính trên các lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét, Sông Mao, Hồng Phú và Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú quản lý. Các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng đều mang lại kết quả khả quan.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với giá trị qua quá trình người dân thu hái, sử dụng dược liệu ngoài tự nhiên, cũng như việc nắm được đặc tính, điều kiện sinh trưởng, phát triển và giá trị của từng loại dược liệu cho thấy việc bảo vệ, nhân rộng và phát triển các diện tích dược liệu dưới tán rừng là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn vốn đầu tư ban đầu để trồng và chăm sóc cây dược liệu tương đối cao so với các loại cây trồng khác. Việc áp dụng quy trình kỹ thuật còn hạn chế do không có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, chưa có nhiều mô hình trồng cây dược liệu để người dân tham khảo, thị trường tiêu thụ không ổn định.
Vì vậy, ngành chức năng của tỉnh đã đề ra định hướng với nhiều biện pháp để khắc phục khó khăn, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Trong đó, sẽ tích cực tìm kiếm các nguồn vốn tài trợ để nghiên cứu, nhân rộng các diện tích cây dược liệu quý hiếm, có giá trị cao, kể cả các diện tích sẵn có ngoài tự nhiên và các diện tích trồng mới dưới tán rừng tự nhiên. Đẩy mạnh các hình thức liên doanh liên kết; xây dựng chính sách ưu tiên trong sản xuất, đăng ký, lưu hành sản phẩm đối với dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu. Xây dựng cơ chế phối hợp đầu tư và cùng hưởng lợi giữa người dân và các đơn vị chủ rừng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới, đặc biệt là khâu bảo tồn các loài dược liệu, nhân giống, trồng khảo nghiệm, đăng ký bảo hộ và chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu…