Bảo vệ, phát huy giá trị các bảo vật quốc gia tại Hà Nội
Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng bảo vật quốc gia với 28 nhóm gồm 297 hiện vật, hàm chứa những giá trị vô giá về văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, góp phần xác lập vị thế đất văn hiến nghìn năm.
Công tác bảo vệ và phát huy giá trị đối với di sản vốn quan trọng và điều đó càng có ý nghĩa đối với bảo vật quốc gia. Các địa phương, đơn vị đang nắm giữ bảo vật quốc gia đều đang đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ cũng như phát huy giá trị, để đưa công chúng đến gần hơn các bảo vật.
Gìn giữ di sản quý
Trong số 27 bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022) được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận ngày 30/1/2023, riêng Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đang lưu giữ 5 bảo vật (4 bảo vật tại Hoàng thành Thăng Long gồm: Đầu rồng thời Trần; sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê Sơ; bộ thành bậc Điện Kính Thiên; súng Thần công thời Lê Trung Hưng và 1 bảo vật tại khu di tích Cổ Loa là tượng Vua An Dương Vương). Như vậy, với 5 bảo vật mới được công nhận, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội hiện lưu giữ tới 9 bảo vật quốc gia (7 bảo vật tại Hoàng thành Thăng Long và 2 bảo vật tại khu di tích Cổ Loa). Với số lượng bảo vật lớn, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để bảo vệ, giữ gìn di sản quý.
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Hồng Chi cho biết, Trung tâm xây dựng kế hoạch tổng thể để bảo vệ, phát huy giá trị các bảo vật quốc gia, trong đó chú trọng công tác bảo vệ, bảo quản các bảo vật theo quy trình khoa học, phù hợp với từng chất liệu hiện vật. Từng bảo vật quốc gia đều được tạo mã QR code, được quản lý qua ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy giá trị bảo vật, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong gìn giữ bảo vật. Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tiến hành bảo quản thí điểm một phần Thềm Rồng theo quy trình khoa học đối với chất liệu đá, đồng thời có kế hoạch trong thời gian tới xây dựng lại các chú thích nhận diện bảo vật quốc gia đã được công nhận.
Các bảo vật quốc gia khác đang thuộc sự quản lý của các địa phương, đơn vị, thậm chí của cả tư nhân. Cũng như Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, khi các hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, các địa phương, đơn vị cũng chủ động trong công tác bảo vệ. Tượng thần Trấn Vũ tại đền Quán Thánh, trước đây người dân đến lễ xoa mòn chân tượng, nay Ban Quản lý di tích đã dựng thêm bức rào ngăn người dân chạm vào hiện vật. Bảo tàng Hà Nội cũng đang lưu giữ 5 nhóm hiện vật (bộ vũ khí Ngọc Khánh, trống đồng Cổ Loa và bộ lưỡi cày đồng, chuông Thanh Mai, chân đèn gốm, long đình Bát Tràng). Các nhóm hiện vật này thường xuyên được bảo tồn tốt. Đơn vị cũng đang tập trung đẩy mạnh số hóa bảo vật quốc gia. Nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính đang lưu giữ bảo vật quốc gia trống đồng Kính Hoa, thạp đồng Kính Hoa, cũng chủ động mời chuyên gia, nhà khoa học tư vấn cách thức bảo quản hiện vật theo đúng quy định…
Tuy nhiên, việc bảo vệ, phát huy bảo vật quốc gia một số nơi cũng không khác biệt so với trước khi được công nhận, bởi phụ thuộc vào đặc thù không gian đang lưu giữ bảo vật. Ví như, đôi sư tử đá đền - chùa Bà Tấm (huyện Gia Lâm), 18 vị La Hán chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất)…
Trước những vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn, gìn giữ bảo vật quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mời các chuyên gia hướng dẫn quy trình bảo quản, hạn chế tình trạng xuống cấp của bảo vật. Sở cũng đề nghị các địa phương, đơn vị quản lý bảo vật xây dựng phương án bảo vệ, ưu tiên kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình để bảo vệ bảo vật quốc gia một cách hiệu quả nhất.
Đưa cổ vật đến gần hơn với công chúng
Với những giá trị quý, công tác quảng bá hình ảnh, phát huy giá trị bảo vật quốc gia có nhiều ý nghĩa, vừa làm sống lại bảo vật và không gian lưu giữ bảo vật, vừa nâng cao ý thức giữ gìn, trân quý giá trị bảo vật của cộng đồng. Đây cũng là lợi thế để các đơn vị lưu giữ bảo vật quốc gia tăng cường công tác quảng bá, thu hút khách đến tham quan, tìm hiểu. Hiện, các địa phương, đơn vị cũng triển khai nhiều cách thức phát huy phong phú nhằm đưa bảo vật quốc gia đến gần hơn với công chúng.
Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, đơn vị đang trong giai đoạn hoàn thiện công tác trưng bày nội dung, tuy nhiên, các bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại Bảo tàng hiện đang trưng bày tại tầng 1 và thực hiện cả trưng bày trực tuyến. Đơn vị dự kiến áp dụng công nghệ 3D đối với những hiện vật là bảo vật quốc gia, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan, học tập của công chúng và quảng bá đến với du khách nước ngoài.
Tại các nơi lưu giữ khác, bảo vật quốc gia cũng được đơn vị quản lý xây dựng kế hoạch phát huy giá trị. Trong đó, chú trọng công tác trưng bày được thực hiện thường xuyên nhằm giới thiệu đến đông đảo công chúng, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, phát huy giá trị bảo vật. Việc phát huy còn triển khai với hình thức quảng bá trên các website, xây dựng các video clip giới thiệu bảo vật quốc gia…
Trưởng Phòng quản lý Di sản - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Lan Anh chia sẻ, thời gian qua, số lượng bảo vật quốc gia tại Hà Nội liên tục tăng lên qua những đợt công nhận. Bên cạnh công tác bảo vệ, bảo quản thì việc phát huy giá trị các bảo vật rất quan trọng, không nên để bảo vật “ngủ quên” tại nơi lưu giữ. Bởi vậy, Sở thường xuyên đề nghị các địa phương tích cực triển khai công tác quảng bá giá trị các bảo vật quốc gia để di sản được "sống" trong đời sống đương đại.
Cũng theo nhiều chuyên gia văn hóa, để bảo vệ phát huy tốt giá trị, bảo vật quốc gia cần có những cơ chế riêng, mang tính đặc thù để bảo vật quốc gia xứng với vai trò, vị trí của nó trong đời sống văn hóa.