Bảo vệ phụ nữ mang thai trong đại dịch Covid-19
Phụ nữ mang thai, đặc biệt là phụ nữ mang thai chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 là đối tượng nguy cơ cao, diễn biến tăng nặng khi mắc Covid-19. Để bảo vệ phụ nữ mang thai trong đại dịch, hạn chế nguy cơ tử vong, các địa phương cần tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát, đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19, phát hiện và điều trị kịp thời khi mắc bệnh…
“Lá chắn” an toàn
Theo Bộ Y tế, các dữ liệu hiện nay cho thấy nguy cơ mắc bệnh thể nặng ở phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 cao hơn so với nhóm phụ nữ không mang thai. Nguyên nhân là do trong quá trình mang thai, sức đề kháng của phụ nữ có sự suy giảm nhất định, nếu mắc Covid-19 sẽ làm nguy cơ biến chứng càng thêm nhanh chóng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi.
Để bảo vệ phụ nữ mang thai, ngày 10/8/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3802, đưa phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên vào chỉ định tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Trước bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 tăng cao, để tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin ở phụ nữ mang thai, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương rà soát danh sách phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên trên địa bàn quản lý, lập kế hoạch và tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Công tác tiêm chủng được ngành Y tế tỉnh thực hiện chặt chẽ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tất cả phụ nữ mang thai đều được sàng lọc kỹ trước khi tiêm, được theo dõi sát sao và tái khám sau tiêm 1 tuần.
Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức về những nguy cơ phụ nữ mang thai có thể gặp phải khi mắc Covid-19; lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 đối với phụ nữ mang thai; vận động để phụ nữ có thai đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm kịp thời, đầy đủ.
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 là giải pháp hữu hiệu nhằm tạo “lá chắn” bảo vệ phụ nữ mang thai trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít thai phụ lo lắng việc tiêm chủng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nên e ngại và không tiêm vắc xin phòng Covid-19, chấp nhận nguy cơ rủi ro.
Đang mang thai ở tuần thứ 32, chị L.T.C, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường chia sẻ: “Mặc dù biết rõ những nguy cơ phụ nữ mang thai có thể gặp phải khi mắc Covid-19, nhưng tôi vẫn quyết định không tiêm vắc xin vì sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Để bảo vệ bản thân, tôi luôn cố gắng hạn chế đi lại, tiếp xúc với người khác, thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn…”.
Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh là đơn vị tiếp nhận thu dung, điều trị cho các trường hợp mắc Covid-19 là phụ nữ mang thai. Thống kê tại đây cho thấy, trong tổng số hơn 120 phụ nữ mang thai đã được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện, có tới hơn 60% trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19.
... Để mẹ và con cùng khỏe
Bác sĩ Hoàng Trung Thanh, phụ trách Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh cho biết: “Các trường hợp phụ nữ mang thai mắc Covid-19 trước đó đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 có sự khác biệt rất lớn so với trường hợp chưa được tiêm.
Đối với phụ nữ mang thai mắc Covid-19 đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 thường chỉ có triệu chứng nhẹ và không có triệu chứng, điều trị 5 - 6 ngày đã có thể khỏi bệnh và ra viện.
Ngược lại, các trường hợp chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19, bệnh thường diễn biến nhanh, tăng nặng sau 4 - 7 ngày nhiễm bệnh; nhiều bệnh nhân bị suy hô hấp, tổn thương phổi, nguy cơ cao ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và bé.
Trong số các thai phụ chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh có 12 bệnh nhân phải can thiệp thở máy (chiếm 20% ), trong đó có 1 bệnh nhân phải chuyển xuống Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để điều trị tích cực.
Đáng tiếc nhất là có 7 ca buộc phải đình chỉ thai kỳ để cứu sống mẹ, tập trung chủ yếu ở tuần thai thứ 20-32. Để bảo vệ bản thân và thai nhi, tất cả thai phụ từ tuần 13 trở lên cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 sớm nhất có thể theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt quy định “5K”, hạn chế tiếp xúc, có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể…”
Nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đã khẳng định, vi rút SARS-CoV-2 không vào buồng ối. Hơn nữa, thai nhi trên 13 tuần tuổi là giai đoạn đã cơ bản hoàn thiện các bộ phận quan trọng trong cơ thể, nên nguy cơ gây dị dạng thai nhi ở giai đoạn này là thấp.
So với những phản ứng phụ thì lợi ích của tiêm vắc xin phòng Covid-19 mang lại lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ, do đó, các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp mở rộng bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng phụ nữ mang thai; tăng cường quản lý, giám sát, xét nghiệm tầm soát với phụ nữ mang thai, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc Covid-19 để có những chỉ định y tế, điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ bệnh diễn tiến tăng nặng và gây tử vong.
Tiếp tục triển khai các hoạt động tư vấn về phòng, chống Covid-19 cho phụ nữ mang thai và người sống chung nhằm giúp họ biết cách tự theo dõi sức khỏe; thực hiện tốt thông điệp “5K”, đặc biệt là đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế đến nơi tập trung đông người; phát hiện sớm các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 và thông báo với cơ quan y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sớm…