Bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực mạng
Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25-11) đánh dấu khởi đầu của 16 ngày chiến dịch hành động chấm dứt bạo lực giới. Trao đổi với báo chí, ông Pio Smith, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã kêu gọi hành động khẩn cấp để thu hẹp khoảng cách về giới trên không gian kỹ thuật số, yêu cầu các nền tảng công nghệ chịu trách nhiệm và đầu tư vào các chính sách toàn diện để chống lại bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến, tạo ra không gian mạng an toàn hơn cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
Phóng viên (PV): Internet đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta, mang đến những cơ hội chưa từng có về kết nối, học tập và trao quyền. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng có mặt trái, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Pio Smith: Một nghiên cứu toàn cầu gần đây cho thấy gần 60% phụ nữ đã từng phải trải qua một hoặc nhiều hình thức gây hại trực tuyến. Đối với hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái, không gian số tiềm ẩn nhiều rủi ro, làm gia tăng và trầm trọng hóa tình trạng bạo lực mà họ đã phải đối mặt ngoài đời thực. Không thể bỏ qua những số liệu thống kê đáng báo động. Trên toàn cầu, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người từng phải trải qua bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục trong đời. Năm 2022, tỷ lệ phụ nữ bị giết hại đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm. Trên không gian mạng, phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với quấy rối, theo dõi, lạm dụng hình ảnh và đe dọa bạo lực - những cuộc tấn công này thường lan sang thế giới thực với hậu quả tàn khốc.
Trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo, những rủi ro này còn leo thang hơn nữa khi những kẻ buôn người khai thác công nghệ kỹ thuật số để lừa dối, kiểm soát và bóc lột những người phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương, dẫn đến tống tiền, đánh cắp danh tính và biến họ trở thành nô lệ tình dục. Nguyên nhân của những lỗ hổng này nằm ở sự bất bình đẳng trên không gian mạng trình độ hiểu biết về công nghệ thấp và độ phổ biến của những thông tin sai lệch.
PV: Chủ đề chống bạo lực trên không gian mạng bạo lực giới năm nay có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Ông Pio Smith: 16 ngày chiến dịch hành động chấm dứt bạo lực giới năm nay, với chủ đề “Hướng tới 30 năm Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh: Đoàn kết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ”, kêu gọi hành động cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng đang leo thang này.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm của Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, một khuôn khổ mang tính bước ngoặt để đạt được bình đẳng giới. Trong 16 ngày chiến dịch hành động chấm dứt bạo lực giới này, tôi kêu gọi các chính phủ, công ty công nghệ và xã hội dân sự hãy hành động ngay. Chúng ta phải khiến những người bạo lực phải chịu trách nhiệm, đẩy nhanh các chiến lược phù hợp với từng quốc gia, lấy người bị bạo lực làm trung tâm và tăng khoản tài trợ cho các phong trào vì quyền phụ nữ.
Một thế giới kỹ thuật số an toàn hơn, kiên cường hơn là điều có thể đạt được nhưng lại đòi hỏi nỗ lực phối hợp và nguồn lực đầy đủ. Bạo lực trên cơ sở giới trên không gian mạng có thể khiến phụ nữ mất đi sự nghiệp, sức khỏe và thậm chí là mạng sống. Hãy cùng nhau sử dụng tiếng nói và nền tảng của mình để thúc đẩy sự thay đổi, khiến Internet từ nơi nguy hiểm thành nơi trao quyền. Cùng nhau, chúng ta có thể đảm bảo rằng mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có thể sử dụng không gian trực tuyến mà không hề sợ hãi.
PV: Theo ông, các công ty công nghệ cần làm gì để bảo vệ người dùng khỏi bị lạm dụng?
Ông Pio Smith: Chúng ta phải tăng cường trách nhiệm giải trình đối với các nền tảng công nghệ. Các công ty công nghệ cần từng bước xây dựng để những hướng dẫn về đạo đức và nguyên tắc an toàn vào hệ thống của họ. Cần có sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ dữ liệu được phát triển một cách có trách nhiệm, với các cơ chế báo cáo rõ ràng để bảo vệ người dùng khỏi bị lạm dụng. Chúng ta cũng phải thu hẹp khoảng cách giới trong không gian mạng. Trang bị cho phụ nữ và trẻ em gái các kỹ năng, hiểu biết về kỹ thuật số là điều cần thiết để khiến không gian trực tuyến trở thành một nơi an toàn. Các chương trình giáo dục có thể xóa bỏ những khuôn mẫu có hại, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái để họ có thể tham gia đầy đủ vào thế giới kỹ thuật số.
Cuối cùng, chúng ta cần phải đảm bảo hỗ trợ, lấy người bị bạo lực làm trung tâm. Cần có những hành động phản ứng kịp thời và phù hợp, đặc biệt là trong bối cảnh nhân đạo, để giải quyết nhu cầu về an toàn cả trực tuyến và ngoài đời thật. Điều này đòi hỏi luật pháp cần chặt chẽ hơn, các chương trình cần đạt được hiệu quả và cam kết đảm bảo rằng mọi phụ nữ đều hiểu rằng họ không có lỗi khi bản thân là người bị bạo lực, bên cạnh đó, họ có quyền được lựa chọn những con đường để đạt được công lý hoặc nhận sự chữa lành. Những người bạo lực cần phải chịu trách nhiệm thông qua các khuôn khổ pháp lý đủ cứng rắn. Điều này vô cùng cần thiết để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, đảm bảo công lý cho những người bị bạo lực.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!