Bảo vệ phụ nữ và trẻ em: Xã hội cần thay đổi những quan điểm lạc hậu
Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, xã hội cần thay đổi những quan niệm lạc hậu về phụ nữ và trẻ em, cần hiểu rõ về quan niệm 'roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.'
Ngày 20/6, Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã tổ chức diễn đàn “Phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em."
Diễn đàn có sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành, hội đoàn thể, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực trẻ em, các chuyên gia về gia đình, trẻ em, về pháp luật và gần 200 phụ nữ và trẻ em đại diện các tầng lớp trên địa bàn thành phố.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội cho biết, Diễn đàn "Phòng chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em" năm 2020 nằm trong chuỗi các hoạt động vì an toàn phụ nữ và trẻ em của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội.
Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ thành phố đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, nhiều hoạt động điểm nhấn trong các tháng cao điểm đều được các cấp Hội triển khai hiệu quả.
Diễn đàn được chia thành hai phiên: “Lắng nghe trẻ em nói” và “Để gia đình bình an, hạnh phúc.”
Các chuyên gia đã dựa vào những sự việc điển hình để phân tích, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra các giải pháp phù hợp để tránh những tác động xấu đến phụ nữ và trẻ em.
Những ý kiến của các em học sinh, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ được các chuyên gia, các bộ, ngành giải đáp cụ thể và thiết thực.
Có nhiều vấn đề được các đại biểu quan tâm, tập trung phân tích như xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, áp lực học hành từ cha mẹ, an toàn giao thông, mâu thuẫn trong hôn nhân, cách giáo dục con cái, vấn đề việc làm...
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), xâm hại trẻ em không chỉ là xâm hại tình dục, mà còn là vấn đề bạo lực, bóc lột, mua bán, bỏ rơi bỏ mặc và các hình thức khác gây tổn hại thể chất và tinh thần của trẻ em.
Bà Nga cũng cho rằng, xã hội cần thay đổi những quan niệm lạc hậu về phụ nữ và trẻ em, cần hiểu rõ về quan niệm “roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng."
Để bảo vệ cho những quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em, ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) một lần nữa khẳng định, bạo lực gia đình ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tinh thần của phụ nữ và trẻ em.
Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã và đang xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng khu vui chơi, các chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em trong môi trường gia đình, tất cả đều chung mục đích lan tỏa thông điệp “Yêu thương, chia sẻ để xây dựng gia đình bình an, hạnh phúc; lắng nghe để hành động; chung tay phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em; vì mái ấm không bạo lực; vì môi trường sống an toàn và hạnh phúc.”
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến khác cho rằng khi người phụ nữ trong gia đình bị bạo lực, cán bộ hội phụ nữ cần tiếp cận và tìm hiểu nguyên nhân, có giải pháp bảo vệ kịp thời.
Ngoài ra, các phụ nữ và trẻ em có thể đến các nhà tạm lánh nhờ trợ giúp hoặc gọi điện thoại đến số cảnh sát phản ứng nhanh 113, đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình của Ngôi nhà bình yên: 1900 969680 hoặc 094 6833 3380.
Nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao quà cho 50 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập trên địa bàn thành phố, mỗi phần quà trị giá 1.000.000 đồng; trao giải thưởng cho hội viên Hội phụ nữ các cấp có thành tích cao trong các cuộc thi do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động./.