Bảo vệ quyền của người lao động ở Việt Nam

Hiện nay, vấn đề bảo vệ quyền của người lao động đang ngày càng trở nên bức thiết khi lực lượng lao động chiếm tỉ lệ lớn trong dân số toàn cầu (khoảng 60% là người lao động từ 15 tuổi trở lên). Các yếu tố như khủng hoảng kinh tế, xung đột chính trị, pháp luật và sự phát triển của khoa học công nghệ cũng có nguy cơ đẩy người lao động dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực thi các luật bảo đảm quyền của người lao động còn là điểm nghẽn

Mặc dù, Việt Nam đã có những nỗ lực trong cải thiện quyền người lao động thông qua các luật và quy định như: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội,… nhưng việc thực thi vẫn gặp nhiều khó khăn. Các quyền cơ bản của người lao động trong nhiều trường hợp còn chưa được bảo đảm đầy đủ, khiến nhiều người lao động không có tiếng nói trong đòi hỏi quyền lợi và tự bảo vệ trước những vi phạm từ phía chủ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống cơ bản của họ trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao.

Tình trạng lao động phi chính thức đang gây ra nhiều vấn đề lớn về sự bền vững kinh tế và xã hội. Báo cáo của Tổng cục Thống kê “Tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam” (2021) cho thấy, lao động phi chính thức ở Việt Nam khoảng 36 triệu người, tương đương 68,5% tổng lực lượng lao động. Đối tượng này chủ yếu tập trung ở nông thôn, chiếm tới 77,9% số lao động. Mặc dù hình thức này là một giải pháp tạm thời cho những người tìm được việc làm chính thức, nhưng đồng thời khiến họ phải chịu thiệt thòi về các quyền lợi được hưởng theo qui định của pháp luật.

Với người lao động có hợp đồng, đặc biệt là lao động ngành may mặc, một ngành thâm dụng lao động lớn, cũng còn nhiều vấn đề liên quan đến điều kiện làm việc, thu nhập.

Báo cáo “Đánh giá nhanh về điều kiện lao động trong ngành may mặc của Việt Nam năm 2022 của tổ chức Phòng chống nô lệ quốc tế (Anti-slavery International (1) đã chỉ ra những bất cập liên quan đến điều kiện lao động chưa bảo đảm như họ phải làm việc trong điều kiện khó khăn với thời gian làm việc kéo dài (9-13 giờ/ngày); tiền lương và đời sống còn khó khăn: Mức lương trung bình dao động từ 04 đến 14 triệu VND/tháng (tương đương khoảng 180-600 đô-la Mỹ), không đủ để trang trải cuộc sống tại các thành phố lớn; điều kiện sống cũng rất nghèo nàn, họ thường phải thuê các căn phòng chật hẹp, thiếu trang thiết bị cần thiết; an toàn lao động chưa được tuân thủ nghiêm túc (không được đào tạo đầy đủ về an toàn lao động và thường phải đối mặt với các nguy cơ về sức khỏe như tiếp xúc với hóa chất độc hại, bụi bẩn…).

Để tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của người lao động, Việt Nam đã có nhiều bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hệ thống pháp luật, bao gồm các qui định trực tiếp trong Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật An toàn, vệ sinh lao động và Luật Hình sự.

Bộ luật Lao động năm 2019 là văn bản pháp luật cốt lõi, bảo vệ quyền lợi người lao động thông qua việc qui định các quyền cơ bản như quyền làm việc, quyền được trả lương hợp lý, nghỉ ngơi, an toàn lao động, và bình đẳng giới (2), nhưng vẫn tồn tại những khoảng trống trong thực thi, chưa bảo vệ đầy đủ cho người lao động phi chính thức hoặc lao động thời vụ. Những lao động này không được hưởng mức lương tối thiểu, an sinh xã hội hay BHYT như lao động chính thức. Quá trình giải quyết tranh chấp lao động thường rất phức tạp, tốn kém và kéo dài, gây khó khăn cho người lao động, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Các doanh nghiệp vi phạm qui định lao động nhiều khi chỉ bị phạt nhẹ hoặc không bị xử lý nghiêm khắc…

Luật BHXH năm 2014 bảo vệ các quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt là trong các trường hợp như ốm đau, tai nạn lao động, nghỉ hưu và thai sản. Tuy nhiên, phạm vi bao phủ của luật này vẫn còn hạn chế như lao động trong khu vực phi chính thức và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận BHXH bắt buộc. Việc tận dụng và xử lý các quyền lợi liên quan đến bảo hiểm người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người lao động khỏi các rủi ro nghề nghiệp, nhưng việc thực thi luật ở các doanh nghiệp nhỏ hoặc khu vực nông thôn chưa được đồng đều do thiếu giám sát và ý thức tuân thủ pháp luật. Nhóm lao động không có hợp đồng cũng chưa được bảo vệ đầy đủ về bảo hiểm và quyền lợi lao động.

Bộ Luật hình sự (BLHS) hiện hành quy định về bảo vệ quyền lợi của người lao động được cụ thể hóa thông qua một loạt tội danh và chế tài nhằm xử lý các hành vi vi phạm. Thực tế việc xử lý các hành vi phạm tội, đặc biệt là tội cưỡng bức lao động (Điều 297 BLHS), tội vi phạm quy định về an toàn lao động (Điều 295 BLHS) vẫn còn nhiều khó khăn. Việc giám sát và xử lý các hành vi bóc lột thường gặp khó khăn do một số doanh nghiệp né tránh bằng cách không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng mờ ám với người lao động. Nhiều lao động phi chính thức hoặc lao động tự do có thể không được bảo vệ đầy đủ bởi luật pháp do họ không thuộc diện ký kết hợp đồng chính thức. Các vụ cưỡng bức lao động thường rất khó phát hiện và khi phát hiện, việc thu thập chứng cứ và chứng minh tội phạm là rất khó khăn, đặc biệt khi người lao động bị kiểm soát hoặc đe dọa không dám tố cáo. Trong một số ngành nghề nguy hiểm, việc bảo đảm an toàn lao động vẫn là thách thức lớn, đặc biệt ở các khu vực có điều kiện làm việc kém hoặc các doanh nghiệp nhỏ.

Nỗ lực triển khai các sáng kiến, chương trình tăng cường quyền lợi cho người lao động

Những năm gần đây, Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến và chương trình nhằm cải thiện điều kiện làm việc và tăng cường quyền lợi cho người lao động. Một trong những chương trình nổi bật là Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021- 2025, tập trung vào việc nâng cao nhận thức và cải thiện điều kiện làm việc an toàn cho người lao động trong các ngành công nghiệp nguy hiểm như xây dựng, khai thác khoáng sản và sản xuất hóa chất.

Bên cạnh đó, chương trình cải cách chính sách tiền lương theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ đã và đang được triển khai nhằm bảo đảm người lao động được trả lương xứng đáng và công bằng hơn. Mục tiêu của chương trình này là điều chỉnh mức lương tối thiểu, đảm bảo phù hợp với mức sống và chi phí sinh hoạt thực tế của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao.

Ngoài ra, các tổ chức công đoàn tại Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền người lao động. Thông qua các cuộc đối thoại xã hội giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, công đoàn đã tham gia vào việc thương lượng các điều kiện làm việc, tiền lương và các chế độ phúc lợi khác cho người lao động, góp phần nâng cao vị thế và quyền lợi của họ trong xã hội.

Việt Nam không chỉ tập trung vào các cải cách nội bộ mà còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế để bảo vệ quyền lợi người lao động. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có các điều khoản liên quan đến quyền lao động, trong đó đáng chú ý nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người lao động và bảo đảm quyền lợi của họ, cần triển khai một số giải pháp sau đây:

Một là, tăng cường thực thi luật pháp liên quan đến bảo vệ quyền lợi người lao động.

Bên cạnh việc thường xuyên cập nhật các quy định liên quan đến quyền lợi người lao động thì việc triển khai áp dụng trong thực tiễn phải được đẩy mạnh thường xuyên. Cần mở rộng bảo vệ pháp lý cho người lao động trong khu vực phi chính thức. Chính phủ cần tìm cách đưa các lao động này vào hệ thống bảo vệ chính thức thông qua các hợp đồng đơn giản, cải thiện quyền tiếp cận an sinh xã hội và khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi lao động phi chính thức thành lao động chính thức.

Để giải quyết tình trạng này, cần tăng cường các biện pháp giám sát và thực thi nghiêm chỉnh. Đồng thời, thiết lập một kênh truyền thông công khai, ứng dụng công nghệ để nêu rõ các doanh nghiệp vi phạm nhằm tăng cường tính minh bạch và công khai, giúp người lao động dễ dàng nhận diện các đơn vị không tuân thủ.

Hai là, đẩy mạnh công tác giám sát và xử lý các vi phạm về lao động.

Công tác giám sát thường xuyên là yếu tố quyết định trong việc bảo vệ người lao động khỏi các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, do lực lượng thanh tra lao động còn mỏng, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có rủi ro cao như xây dựng và dệt may, nhiều vi phạm vẫn chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.

Để khắc phục, cần thiết lập một hệ thống quản lý dữ liệu lao động tập trung, ghi nhận thông tin về điều kiện làm việc và các báo cáo từ thanh tra cũng như người lao động. Hệ thống này sẽ giúp phân tích mức độ vi phạm, ưu tiên xử lý các trường hợp nghiêm trọng, đồng thời tăng cường sự phối hợp với các tổ chức quốc tế để đảm bảo hiệu quả và tính khách quan trong việc giám sát và xử lý.

Ba là, cải tiến hệ thống BHXH và các chính sách phúc lợi để bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động.

Việc trốn đóng BHXH từ các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực phi chính thức là một vấn đề nổi lên trong thực tiễn cần áp dụng công nghệ blockchain vào hệ thống BHXH, giúp quản lý minh bạch và ngăn chặn các hành vi trốn đóng bảo hiểm. Việc cấp mã số bảo hiểm cá nhân duy nhất cho từng người lao động sẽ tạo ra khả năng truy xuất thông tin đóng bảo hiểm dễ dàng. Đồng thời, các chính sách phúc lợi như bảo hiểm thất nghiệp và BHYT cần được điều chỉnh linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu của người lao động trong bối cảnh nền kinh tế thay đổi nhanh chóng.

Bốn là, đào tạo người lao động về quyền của họ và các biện pháp bảo vệ bản thân trong bối cảnh kinh tế thay đổi.

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là nhiều người lao động không nắm rõ quyền lợi của mình, khiến họ dễ rơi vào các tình huống bị xâm phạm quyền lợi.

Để giải quyết, cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo về quyền lợi lao động thông qua các hình thức như hội thảo trực tuyến và ứng dụng di động. Các ứng dụng này không chỉ cung cấp thông tin về quyền lợi của người lao động mà còn hỗ trợ họ báo cáo các vi phạm một cách an toàn, bảo đảm bảo mật.

Đồng thời, việc đào tạo kỹ năng để đối phó với các biến đổi của thị trường lao động, như tự động hóa và toàn cầu hóa, sẽ giúp người lao động nâng cao khả năng tự bảo vệ và phát triển bền vững trong công việc.

Năm là, mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực quản lý lao động.

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, tạo ra nhiều cơ hội để hợp tác trong lĩnh vực lao động. Để cải thiện, Việt Nam cần tăng cường năng lực quản lý lao động thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng trong nước mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển một thị trường lao động chuyên nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các giải pháp trên không chỉ giúp cải thiện quyền lợi của người lao động mà còn tạo nền tảng cho một lực lượng lao động vững mạnh, có nhận thức và kỹ năng cao, sẵn sàng đối mặt với các thách thức của thị trường lao động hiện đại.

[1] Đọc thêm Điều 8, 90, 91, 93, 105, 106, 107, 138, 139, 168 Bộ Luật lao động năm 2019

[MOU1]Tổ chức này là một tổ chức nhân quyền lâu đời nhất trên thế giới từ năm 1839, là đơn vị hợp tác với Liên hiệp quốc và Liên minh châu Âu trong việc phòng chống nô lệ hiện đại

Nông Đức Tài / Khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/bao-ve-quyen-cua-nguoi-lao-dong-o-viet-nam-22318