Thực tập sinh không còn là người chỉ biết bưng trà, rót nước

Sinh viên thực tập hiện tại được giao nhiều phần việc quan trọng. Thậm chí, nhiều bạn trẻ tạo ra giá trị lớn cho công ty và được đánh giá cao.

 Thực tập sinh đã được công ty tin tưởng, giao nhiều công việc quan trọng. Ảnh: Phương Lâm.

Thực tập sinh đã được công ty tin tưởng, giao nhiều công việc quan trọng. Ảnh: Phương Lâm.

“Thực tập sinh bây giờ được làm nhiều lắm, không phải đến nhìn rồi đi về như thế hệ trước vẫn hay nói”.

Đây là điều mà Bùi Phương, sinh viên năm cuối tại một trường đại học ở TP.HCM, chia sẻ khi được hỏi về quá trình thực tập tại doanh nghiệp. Đối với nữ sinh, thời gian làm thực tập sinh mang lại cho cô rất nhiều kinh nghiệm làm việc và cơ hội mới mà cô chưa từng nghĩ đến.

Được làm việc đúng nghĩa

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Phương cho biết cô bắt đầu tham gia thực tập từ giữa tháng 10/2024. Do học ngành Marketing, cô đăng ký thực tập tại phòng Marketing của một công ty chuyên về mảng F&B (dịch vụ thực phẩm). Dự kiến trước Tết Nguyên đán 2025, Phương sẽ hoàn thành kỳ thực tập này.

2 ngày đầu, do chưa quen việc, Phương chủ yếu đọc tài liệu về các sản phẩm của công ty, quan sát đồng nghiệp làm việc và được quản lý hướng dẫn công việc. Đến ngày thứ ba, công việc đầu tiên mà Phương được sếp giao là lên ý tưởng xây dựng, phát triển một kênh TikTok để quảng bá sản phẩm của công ty.

“Sếp nói mình làm slide để trình bày ý tưởng. Slide mình làm vụng về lắm, nhưng may mắn là ý tưởng xây kênh lại được khen. Mình tưởng sếp giao việc này để cho mình đỡ rảnh, nhưng không ngờ sếp lại nói mình lập kênh rồi bắt đầu làm video luôn. Tới giờ nghĩ lại, mình vẫn bất ngờ”, Phương kể.

Tương tự, Phương Uyên, sinh viên ngành Kinh doanh và Marketing tại Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng được làm việc đúng nghĩa khi thực tập tại một công ty về công nghệ ở Hà Nội.

Dù mới trở thành thực tập sinh, Uyên được công ty giao đủ nhiệm vụ từ digital marketing (tiếp thị kỹ thuật số) cho đến trade marketing (tiếp thị thương mại).

Với phần việc digital marketing, Uyên được viết nội dung cho trang Facebook của công ty, chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh và thiết kế các ấn phẩm truyền thông. Còn với mảng trade marketing, nữ sinh sẽ hỗ trợ, tổ chức các sự kiện để quảng bá hình ảnh cho công ty.

Mỗi tuần, Uyên làm việc tối thiểu 6 ca/tuần, mỗi ca kéo dài trong 4 giờ. Thời gian đầu, khi chưa quen việc, nữ sinh cảm thấy khá “ngợp” vì khối lượng công việc nhiều. May mắn là trong toàn bộ quá trình, cô được quản lý và các đồng nghiệp trong công ty hướng dẫn, hỗ trợ để thạo việc hơn.

“Thực tập giúp mình học được nhiều thứ lắm, ví dụ như việc viết content. Kiến thức ở trường đại học chủ yếu là lý thuyết, phân tích về các công ty, tập đoàn, nhìn chung là khá vĩ mô. Còn khi đi thực tập, mình được học từ những điều nhỏ nhất nên biết nhiều hơn, tiến bộ hơn”, Uyên chia sẻ.

 Phương Uyên nhận thấy các công ty đã cởi mở hơn và cho thực tập sinh nhiều không gian để phát triển. Ảnh: NVCC.

Phương Uyên nhận thấy các công ty đã cởi mở hơn và cho thực tập sinh nhiều không gian để phát triển. Ảnh: NVCC.

Được công nhận

Sau một thời gian thực tập, mới đây, Phương Uyên trở thành người phụ trách chính cho một sự kiện của công ty tại trường tiểu học. Trở thành người dẫn dắt của một sự kiện quy mô, Uyên có nhiều việc phải lo và đôi khi hơi quá tải. Nhưng nhờ đó, nữ sinh biết cách "chạy" sự kiện và vận hành các hạng mục sao cho hiệu quả.

“Một số đầu việc cần quản lý can thiệp, mình sẽ nhờ chị ấy. Còn lại, các công việc chính của sự kiện này vẫn do mình đảm nhận, từ việc liên hệ giáo viên, in ấn, điều phối nhân sự… Mình học được rất nhiều sau khi chạy sự kiện này”, Uyên nói.

Còn với Bùi Phương, thành tựu lớn của cô dưới vai trò thực tập sinh chính là “xây” kênh TikTok cho công ty đạt hơn 10.000 lượt theo dõi, các video cũng thu về 50.000-2 triệu lượt xem và hưởng ứng từ cộng đồng mạng. Nữ sinh cũng nói thêm rằng nhờ kênh TikTok có lượt tiếp cận tốt, các sản phẩm bắt đầu “ra số” và được biết đến nhiều hơn. Bản thân Phương cũng được công ty thưởng một khoản tiền thưởng nhờ thành tích này.

Ngoài phần thưởng, điều mà Bùi Phương nhận được nhiều nhất chính là những kỹ năng tích lũy được trong quá trình thực tập. Trước đây, nữ sinh chỉ biết quay video bằng điện thoại, nhưng hiện tại đã biết sử dụng máy ảnh và các phần mềm chuyên nghiệp để phục vụ cho việc làm nội dung.

Cũng nhờ kỳ thực tập này, Phương nhận ra rằng các công ty đã coi trọng và có cái nhìn cởi mở hơn về thực tập sinh. Trước đây, nữ sinh từng nghe nhiều câu chuyện về việc thực tập sinh bị bắt nạt, không được giao việc hoặc bị coi thường vì kỹ năng yếu kém. Nhưng hiện tại, từ trải nghiệm của bản thân và chứng kiến bạn bè cùng khóa tham gia thực tập, nữ sinh cảm thấy mọi chuyện đã có sự thay đổi tích cực hơn.

“Mình thấy sinh viên bây giờ giỏi lắm, ai cũng đa nhiệm và có rất nhiều kỹ năng tốt. Có lẽ đó cũng là lý do các bạn được doanh nghiệp coi trọng và tin tưởng giao việc nhiều hơn”, Phương nêu quan điểm.

Phương Uyên cũng chia sẻ ý kiến tương tự. Cô nói rằng các công ty đã trao nhiều cơ hội và môi trường để lao động trẻ được phát triển tốt hơn. Dù vẫn phải làm việc theo khuôn khổ và sự kiểm soát kỹ lưỡng của công ty, ít nhiều người trẻ vẫn có cảm giác được “tự chủ” hơn trong công việc.

“Xưa giờ mình vẫn thường nghe chuyện thực tập sinh chỉ được đun trà, rót nước. Nhưng bây giờ mình thấy thực tập sinh được làm thật, học thật. Các bạn được vận dụng kiến thức ở trường khi đi làm, và ngược lại, các bạn cũng có thể áp dụng kinh nghiệm học được ở công ty để làm bài tập ở trường”, Uyên chia sẻ.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thuc-tap-sinh-khong-con-la-nguoi-chi-biet-bung-tra-rot-nuoc-post1517454.html