Bảo vệ quyền của người tiêu dùng: Đưa chính sách đi vào đời sống
Trong thời gian vừa qua, nhiều chính sách đã được đưa ra nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiêu biểu như Chỉ thị số 30, Nghị quyết số 82 hay Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng giai đoạn 2015-2020 và 2021-2025. Các bộ ngành và địa phương cũng đã có các hành động thiết thực để đưa những chính sách này vào đời sống.
Nhiều chương trình, chính sách bảo vệ người tiêu dùng
Hồi tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; khuyến khích kinh doanh, tiêu dùng bền vững.
Theo đó, chương trình sẽ phấn đấu đến hết năm 2025, hằng năm, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (63/63) đều có hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Bảo đảm hằng năm ít nhất 200.000 người tiêu dùng trên cả nước được tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc được đào tạo kỹ năng về tiêu dùng, trong đó có những chương trình ưu tiên cho đối tượng người tiêu dùng yếu thế như học sinh, sinh viên, trẻ em, người cao tuổi, người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Tổ chức được ít nhất 500 khóa đào tạo, lớp tập huấn ngắn, trung và dài hạn trong và ngoài nước cho các cán bộ, công chức, người lao động làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Bảo đảm tối thiểu 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập được hội bảo vệ người tiêu dùng cấp tỉnh; tối thiểu 40 tỉnh, thành phố phát triển được mạng lưới tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới địa bàn quận, huyện.
Đồng thời, hình thành hệ thống tổ chức hòa giải về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên toàn quốc theo quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước đó, để tăng cường sự Lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ người tiêu dùng, từ năm 2019, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thực hiện nghiêm túc 06 nhóm giải pháp. Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Thứ hai, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiếp đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng.
Đồng thời, cần đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cuối cùng, cần phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế.
Để thực hiện chỉ thị này, tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chương trình hành động cũng hướng tới việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, đưa việc đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thành trách nhiệm, động lực và lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt; Tiếp tục kiến tạo môi trường tiêu dùng an toàn, bền vững, củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào Đảng, Nhà nước và xã hội, góp phần tạo nền tảng cho một xã hội tiêu dùng hạnh phúc và thịnh vượng.
Tích cực đưa chính sách đi vào đời sống
Trong thời gian qua, các cấp, ban ngành từ trung ương đến địa phương đã tích cực thực hiện các chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Đơn cử như về phía Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền Chỉ thị số 30-CT/TW và Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ cho các cơ quan Trung ương, các Bộ ngành, Sở Công Thương và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh khu vực miền Bắc, Khu Vực Tây Nam Bộ, Khu Vực Đông Nam Bộ, khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã hỗ trợ nhiều địa phương tuyên truyền nội dung Chỉ thị như: thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Cao Bằng, Quảng Ninh,...Riêng đối với thành phố Hà Nội đã phổ biến đến cấp huyện, như Huyện Hoài Đức, Quận Cầu Giấy, Huyện Mê Linh.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với Bộ, ban ngành, các địa phương trong cả nước tiến hành các thủ tục cần thiết để sửa đổi và bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng phù hợp với các cam kết quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Ở cấp địa phương, các tỉnh thành phố cũng thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật bằng nhiều hình thức phù hợp, giúp người tiêu dùng tự nhận biết bảo vệ quyền lợi, cảnh giác đối với các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, các sản phẩm không minh bạch về nguồn gốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã quan tâm, nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình để có nhiều hoạt động, biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.