'Bảo vệ quyền của người tiêu dùng phải bằng kỹ thuật, không phải bằng khẩu hiệu'
'Quyền lợi của người tiêu dùng hiện nay chưa được coi trọng đúng mức do ý thức của một số doanh nghiệp chưa cao, chế tài chưa đủ mạnh, biện pháp quản lý còn nặng về khẩu hiệu hơn là đi vào thực chất...', chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán nhân Ngày quyền của người tiêu dùng 15/3.
Chủ đề của ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”. Ông có bình luận gì về điều này?
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3 là sự kiện thường niên do Bộ Công thương làm đầu mối phát động từ năm 2016 đến nay.
Chủ đề năm nay nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử.
Đây cũng là lời kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp chung tay bảo vệ quyền của người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời để người tiêu dùng có cơ sở đưa ra các quyết định tiêu dùng đúng.
Theo ông, quyền của người tiêu dùng Việt Nam đang được bảo vệ ở mức độ nào?
Theo Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 thì người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản bao gồm: Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa; Quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ; Quyền được lựa chọn hàng hóa; Quyền được góp ý về giá cả, chất lượng hàng hóa, phong cách phục vụ; Quyền được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn; Quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình và Quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, một số quyền nói trên không được đảm bảo. Đơn cử, tình trạng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan, có những vụ đặc biệt nghiêm trọng như vụ rau Vietgap "dởm" vào siêu thị vừa rồi, hay vụ pate Minh Chay năm 2020...
Ngày nay, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng càng trở nên cấp thiết hơn do giao dịch trực tuyến phát triển mạnh, bên cạnh hàng hóa chất lượng thì cũng có rất nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cho người tiêu dùng.
Vậy theo ông, phải chăng là công cụ pháp lý trong lĩnh vực này chưa đủ mạnh?
Hiện nay, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của chúng ta sau hơn 10 năm áp dụng đã bộc lộ nhiều bất cập, cần phải sửa đổi nhanh. Ví dụ có những hành vi vi phạm của doanh nghiệp mang lại cho họ lợi nhuận 50 triệu đồng mà nếu bị phát hiện chỉ bị phạt 5 triệu đồng thì không đủ sức răn đe.
Karl Marx đã phân tích rồi, nhà tư bản vì mối lợi 300% dù biết sẽ bị treo cổ họ vẫn làm.
Hoặc là quy định cho phép doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ ra thị trường trước, quản lý bằng hậu kiểm sau, theo tôi là rất bất cập. Tôi cho rằng, những sản phẩm như bát đĩa méo mó, cong vênh một chút hay quần áo không đảm bảo quy cách màu sắc... thì hậu kiểm được; còn những sản phẩm như lương thực, thực phẩm đã đi vào cơ thể con người thì không thể áp dụng chế độ quản lý bằng hậu kiểm.
Ví dụ vụ pate Minh Chay chứa độc tố thần kinh cực mạnh làm nhiều người ăn vào bị liệt, khó thở, khó nuốt, phải thở máy. Sau khi vụ việc xảy ra thì Bộ Y tế mới ra thông báo khẩn yêu cầu giám sát, thu hồi sản phẩm, khiến dư luận rất bất bình.
Có người phải sử dụng thuốc giải độc đến 8.000 USD nhưng may mắn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ chứ doanh nghiệp không bồi thường.
Đó là chưa kể lực lượng quản lý thị trường quá mỏng so với số lượng thương nhân, nếu hậu kiểm thì có những doanh nghiệp 1-2 năm mới bị kiểm tra một lần.
Nhiều người phản ánh là các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội bảo vệ người tiêu dùng đang hoạt động quá mờ nhạt nên có phản ánh đến Hội này thì kết quả cũng không đến đâu?
Hội bảo vệ người tiêu dùng lâu nay chỉ có chức năng đi họp và gửi các văn bản đề nghị chứ không có thực quyền. Cần trao cho họ nhiều quyền hơn thì mới phát huy được vai trò. Ví dụ ở một số nước, các hội bảo vệ người tiêu dùng có quyền đình chỉ một chuỗi cung ứng nếu phát hiện có sai phạm.
Hiện nay, Quốc hội đang tiến hành sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo quan điểm của ông thì cần sửa Luật này theo nguyên tắc như thế nào?
Theo tôi phải sửa đổi theo hướng nâng kỷ cương pháp luật lên để những người định vi phạm thì sợ không dám làm.
Muốn vậy, chế tài phải đủ mạnh cho cả nhà sản xuất vi phạm lẫn lực lượng thực thi pháp luật chưa nghiêm. Chúng ta cũng đang có một số quy định đầy đủ, ưu việt nhưng thực thi chưa nghiêm, dẫn đến giảm hiệu quả thi hành của công cụ pháp luật.
Nhưng để giải quyết triệt để câu chuyện thì bên cạnh công cụ pháp luật, cần phải sử dụng cả công cụ thị trường?
Bộ Công thương cần phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đầu tư xây dựng được chuỗi sản xuất phân phối để mọi hàng hóa đi đến đâu người ta biết đến đấy, có hóa đơn chứng từ và có người chịu trách nhiệm.
Hiện nay, chúng ta mới bắt đầu triển khai truy xuất nguồn gốc, tức là quản lý ở khâu sản xuất; nhưng ai gặt hái, ai đóng gói, ai bán buôn bán lẻ thì còn đứt đoạn. Hình ảnh thường thấy là những con lợn được mổ phanh rồi xe máy chở đi trên đường, rõ ràng không ai quản lý. Hà Nội bao nhiêu năm nay chưa xây dựng được một cái lò mổ có quy mô đủ lớn.
Làm chuỗi sản xuất phân phối chúng ta cũng nên tham khảo cả chuỗi cung ứng ngắn, cái này Hàn Quốc đang áp dụng hiệu quả, tức là chuỗi cung ứng từ nơi sản xuất đến thẳng bán lẻ mà không cần qua bán buôn rồi đại lý vùng, đại lý cấp 1, cấp 2...
Chúng ta cũng nên học Thái Lan ở cách họ gom hàng hóa vào một chỗ để quản lý. Thái Lan yêu cầu tất cả nông sản trước khi đi về các chợ, siêu thị phải qua một trung tâm kiểm nghiệm có bác sĩ, kỹ sư hóa học để kiểm tra xác suất, nếu đạt yêu cầu thì cho đi còn không đạt yêu cầu sẽ bị tịch thu để làm thức ăn gia súc hoặc tiêu hủy.
Còn ở Việt Nam, tại các chợ đầu mối chúng ta gom vào một chỗ rồi nửa tiếng, một tiếng sau nông sản đã về các chợ, siêu thị mà không ai kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, chúng ta nên đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục ý thức cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng trong vấn đề bảo vệ quyền của người tiêu dùng.
Ngoài ra, cần sử dụng triệt để khoa học công nghệ (bao gồm cả AI) để nâng cao chất lượng quản lý.
Nói chung, các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải thiên về kỹ thuật chứ không phải bằng khẩu hiệu. Hàng năm chúng ta có "Tháng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", tôi thấy việc này là hô hào khẩu hiệu không cần thiết, việc bảo vệ người tiêu dùng phải làm hàng ngày, hàng giờ chứ không phải "đến hẹn lại lên" như các khẩu hiệu đó.