Bảo vệ quyền lợi lao động nữ
Các chính sách liên quan đến chăm lo, bảo vệ quyền lợi lao động nữ, đặc biệt áp dụng theo Luật Lao động 2019 được các cấp chính quyền, công đoàn triển khai trong thời gian qua đã tạo sự yên tâm trong đội ngũ lao động nói chung và lao động nữ nói riêng, góp phần ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
Yên tâm về việc làm
Chị Lê Thị Thúy, 45 tuổi, có thâm niên gần 20 năm làm việc tại công ty TNHH PouYuen (TP Hồ Chí Minh), thuộc diện sẽ bị cắt giảm lao động, khá lo lắng: “Nhận tin bị cắt giảm, tôi khá buồn. Tuy nhiên, sau khi biết phương án hỗ trợ từ công ty và các cơ sở công đoàn, tôi yên tâm hơn. Thông tin mới nhất là khoản hỗ trợ sẽ được tính theo số năm làm việc, cứ một năm lao động nhận 0,8 tháng lương”, chị Lê Thị Thúy chia sẻ. Chị cũng cho biết, ngay khi nghỉ việc, chị được công đoàn công ty phối hợp với công đoàn thành phố giới thiệu việc làm mới gần nhà.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hồ Chí Minh, bên cạnh hỗ trợ của công ty, công nhân nghỉ việc còn nhận trợ cấp từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho thời gian làm việc. Với mỗi năm làm việc, người lao động nhận một tháng trợ cấp và không quá 12 tháng. Mức hưởng được tính bằng 60% bình quân lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ.
Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hồ Chí Minh, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và xây dựng môi trường làm việc tốt cho công nhân nói chung và nữ công nhân nói riêng luôn được chính quyền, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp quan tâm, thực hiện. “Các cấp công đoàn cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cùng với khả năng, năng lực tay nghề, chuyên môn cho lao động nữ ngày càng tốt hơn; tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp tuyên truyền, giáo dục giới tính, an toàn, hỗ trợ nữ công nhân lao động, nhất là các trường hợp đơn thân, yếu thế...”, bà Trần Diệu Thúy đánh giá.
Tại Hà Nội, Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu Công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội) có 2.347 đoàn viên là nữ, chiếm 50% tổng số đoàn viên, người lao động. Ban chấp hành công đoàn công ty xây dựng kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đến toàn thể đoàn viên nữ gắn với phong trào Công nhân giỏi, Sáng kiến sáng tạo Thủ đô. Qua đó, lao động nữ đã đóng góp trên 100 sáng kiến cải tiến được áp dụng trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Bùi Thị Thanh Giang, Trưởng Ban Nữ công (LĐLĐ thành phố Hà Nội) cho biết, Ban nữ công Công đoàn các cấp thường xuyên nắm bắt tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của nữ đoàn viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để tham mưu cho Công đoàn tham gia, đề xuất những vấn đề liên quan đến lao động nữ và trẻ em. Đơn vị đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đồng cấp tổ chức kiểm tra, khảo sát việc thực hiện chế độ chính sách liên quan đến lao động nữ tại 979 doanh nghiệp có sử dụng đông lao động nữ, 4.006 công đoàn cơ sở kiểm tra về việc thực hiện các chế độ chính sách có liên quan đến lao động nữ. Có 3.412 doanh nghiệp đưa được quy định phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc vào trong nội quy lao động…
Nhiều chính sách có lợi cho lao động nữ
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam Phan Thanh Hải cho biết, trên cơ sở đóng góp ý kiến từ nữ lao động, công đoàn công ty đã chủ động đề xuất chủ sử dụng lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho nữ công nhân, như khám phụ sản và khám sức khỏe 2 lần/năm; bố trí phòng vắt sữa, chi bồi dưỡng thêm cho lao động nữ sau khi sinh con lần thứ nhất, lần thứ hai với 2 tháng lương theo mức sàn; nữ công nhân đang mang bầu và nuôi con nhỏ được nghỉ 2 lần/ngày… Công đoàn đóng góp một phần trong việc doanh nghiệp tiên phong đầu tư xây dựng kí túc xá, đáp ứng chỗ ở miễn phí cho trên 800 lao động xa quê.
Công ty Cổ phần Teakwang Vina (Đồng Nai) nằm trong nhóm các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ. ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Ban Chấp hành Công đoàn công ty đã chủ động đề xuất, thương lượng nhiều chính sách có lợi cho người lao động, đặc biệt đối với lao động nữ. Đơn cử như xây dựng phòng khám đa khoa trong khu vực nhà máy; tổ chức khám sức khỏe sinh sản hàng năm cho trên 4.000 lao động nữ; lắp đặt các Cabin lưu trữ sữa mẹ; xây dựng trường mầm non với chi phí trên 50 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ trợ 60% chi phí vận hành hàng tháng...
Tại Công ty TNHH Mcnex Vina (Khu công nghiệp Phúc Sơn, tỉnh Ninh Bình) - doanh nghiệp ngoài Nhà nước có hơn 6.000.lao động, trong đó 87% là lao động nữ, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty thương lượng để chủ doanh nghiệp điều chỉnh lương, mức đóng bảo hiểm, tăng giá trị bữa ăn ca… qua đó giúp cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Bà Trần Thị Thanh Phượng, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP (Công đoàn Dệt - May Việt Nam) cho biết: Đặc thù lao động nữ ngành may là thường xuyên đi ca kíp, ít có thời gian mua sắm, chăm sóc gia đình. Công đoàn đã đề xuất với lãnh đạo đơn vị dành một diện tích nhỏ ngay trước cổng công ty để mở cửa hàng giúp công nhân mua hàng tiện lợi, từ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu… với giá cả hợp lý. Công nhân có hoàn cảnh khó khăn, ngoài việc được mua trả chậm, còn được bố trí làm việc tại cửa hàng để tăng thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Theo bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng ban nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam, từ hoạt động thực tế cơ sở, các cấp công đoàn chủ động tham gia có hiệu quả với cơ quan Nhà nước xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; bảo đảm thực chất hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ trong các lĩnh vực, như: Những quy định về lao động nữ trong Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo hiểm xã hội và các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, giai đoạn 2021-2030…
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với lao động nữ trong các thành phần kinh tế; tham gia thương lượng, xây dựng thỏa ước lao động tập thể có nhiều chính sách có lợi hơn đối với lao động nữ so với các quy định của pháp luật.
Trong quá trình hỗ trợ lao động nữ thực hiện các quyền lợi của họ khi tham gia vào quan hệ lao động, bên cạnh thuận lợi thì tổ chức công đoàn cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như việc đảm bảo cho lao động nữ thực hiện mục tiêu kép là lao động sản xuất và chăm lo cuộc sống gia đình; hỗ trợ lao động nữ thực hiện tốt các chức năng mang thai, sinh con, nuôi con; bảo vệ lao động nữ trong việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh: Nhà nước bảo đảm quyền làm việc của phụ nữ bình đẳng về mọi mặt với nam giới. Lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động tại Việt Nam đạt 22,3 triệu người, chiếm 45,6% tổng số lao động trong độ tuổi của cả nước. Đây là lực lượng lao động quan trọng của nhân lực phát triển kinh tế - hội của đất nước.
Các địa phương cũng đang mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ để ngoài nghề đang làm, người lao động nữ còn có thêm nghề dự phòng và để việc sử dụng lao động nữ được dễ dàng, phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lí và chức năng làm mẹ của phụ nữ.
Bộ luật lao động năm 2019 với Chương X (từ Điều 135 đến Điều 142) đã dành những quy định riêng đối với lao động nữ. Đơn cử, nơi sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lí do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được tạm hoãn việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kéo dài thời hiệu xem xét xử lí kỉ luật...