'Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương' là quy định rất mới
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 sẽ bảo đảm ngày càng tốt cả sức khỏe và tính mạng, đặc biệt với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, gắn chặt với bảo đảm môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích của người sản xuất, phân phối.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 với 93,72% đại biểu tán thành. Đây là dự luật quan trọng bảo đảm quyền lợi cơ bản cũng như sức khỏe, an toàn và tính mạng của người tiêu dùng.
Sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về luật này và nhấn mạnh, với việc tăng thêm quyền cho người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 sẽ bảo đảm ngày càng tốt cả sức khỏe và tính mạng, đặc biệt với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, gắn chặt với bảo đảm môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích của người sản xuất, phân phối...
PV: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được đánh giá là "trung tâm" trong hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, thì Luật 2023 người tiêu dùng sẽ có thêm quyền gì để bảo vệ quyền lợi của mình thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật năm 2023 đã bổ sung một số quyền mới của người tiêu dùng, như: Quyền được tạo điều kiện lựa chọn tiêu dùng lành mạnh và bền vững; Quyền yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh.
Đồng thời, cũng bổ sung một số nghĩa vụ, như tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Luật bổ sung quy định về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Làm rõ khái niệm về tiêu dùng bền vững, quy định các hoạt động thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững và quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Đặc biệt, nội dung về "bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương" là quy định rất mới. Đây là chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ toàn diện quyền lợi chính đáng của người dân. Theo đó, Luật xác định rõ 7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương và quy định một số trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
PV: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã bổ sung thêm nhiều quyền cho người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Tuy nhiên để khuyến khích người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình thông qua áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại và tranh chấp sẽ có những thay đổi đáng kể nào?
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thương lượng hoặc quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Luật hoàn thiện quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định này nhằm tạo sự đột phá, có khả năng nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Tòa án. Theo đó, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng, thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn, mà không cần đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 317 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Đồng thời, Luật cũng đã bổ sung quy định về tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Chính phủ.
Luật còn bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch đặc thù gồm, quy định rõ các thông tin cần cung cấp trong giao dịch từ xa. Đó là trách nhiệm đặc thù của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng. Trong đó, bao gồm trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian và tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn.
Quy định trách nhiệm thông báo công khai về đại diện theo pháp luật tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam và thông báo công khai về đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam trong cung cấp dịch vụ liên tục. Bổ sung bán hàng đa cấp, bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên.
Quy định thêm trách nhiệm đặc thù của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thực hiện giao dịch trên với người tiêu dùng. Bổ sung sự tham gia của MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sự tham gia đa dạng, toàn diện của các tổ chức này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước.
PV: Về vấn đề trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng với các cơ quan có trách nhiệm sẽ có thay đổi gì trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong tiếp nhận và giải quyết phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng, Luật 2023 đã bổ sung thêm một số quy định. Đáng lưu ý, lần này, Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng.
Quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng. Làm rõ thời hạn tính lại bảo hành trong trường hợp đổi mới sản phẩm, hàng hóa. Bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng; trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết.
Đối với quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, Luật 2023 phân loại 2 nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gồm nhóm A và nhóm B. Đối với mỗi nhóm, Luật quy định trách nhiệm thu hồi tương xứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc xác định nhóm khuyết tật và thực hiện thu hồi theo phương thức phù hợp.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Bộ Công Thương sẽ tập trung xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật. Xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, rà soát sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Phổ biến, tuyên truyền các nội dung của Luật cũng như các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật trên phạm vi cả nước tới các chủ thể liên quan. Xây dựng hoàn thiện các chương trình, công cụ cơ sở dữ liệu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
PV: Xin cảm ơn ông!