Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Thông tin minh bạch là vấn đề cấp thiết
Năm 2024, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tiếp tục gắn với chủ đề 'Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn'. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của thông tin rõ ràng, hàng hóa minh bạch đối với sự an toàn của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến.
Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự chuyển biến thực chất, vai trò then chốt nằm ở nhận thức của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và chính người tiêu dùng.
Chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng
Thời gian qua, các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng luôn được quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, sau gần 2 năm tiến hành sửa đổi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023.
Đáng chú ý, nhằm nâng cao vai trò, vị trí của người tiêu dùng trong xu hướng tiêu dùng mới, Luật bổ sung một số quyền mới của người tiêu dùng như: Được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững; yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh... Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc tăng thêm quyền cho người tiêu dùng, gắn chặt với bảo đảm môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích của nhà sản xuất, phân phối hàng hóa.
Chia sẻ tại tọa đàm “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Nâng cao thương hiệu, uy tín doanh nghiệp” do Báo Công Thương phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung cho biết, với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới, các quy định pháp lý đã cụ thể hơn, chi tiết hơn, do đó khi luật có hiệu lực sẽ bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng chặt chẽ hơn. Đồng thời, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng nhận thức được rằng những hình thức kinh doanh chộp giật, thiếu minh bạch sẽ dần dần bị loại bỏ.
“Khi luật được phổ biến cặn kẽ hơn, người tiêu dùng cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc lên tiếng. Hội Bảo vệ người tiêu dùng luôn khuyến khích, vận động người tiêu dùng lên tiếng tự bảo vệ quyền lợi của mình. Có lên tiếng thì các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội về quyền người tiêu dùng mới biết và có cơ sở để vào cuộc”, ông Vũ Văn Trung nói.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng giữ vai trò quyết định
Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng mới là chủ thể quan trọng và giữ vai trò quyết định. Cần nhận thức được rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là cơ sở để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.
Cụ thể, phía doanh nghiệp cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn. Bên cạnh đó, cần chú trọng cải tiến các dịch vụ truyền thống, củng cố và phát triển hệ thống phân phối; nghiên cứu xây dựng hệ thống, kênh bán hàng mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Khi việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm, doanh nghiệp mới có thể chiếm lĩnh được niềm tin, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín doanh nghiệp và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung khẳng định.
Cũng theo ông Vũ Văn Trung, người tiêu dùng cần có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình; cẩn trọng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, bản thân người tiêu dùng cần mạnh dạn lên tiếng đề xuất, khiếu nại khi gặp vấn đề bị xâm hại quyền lợi để tham gia góp phần phát hiện, xử lý và xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 6022/KH-BCT đề xuất hoạt động và lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 là: “Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn”.
Chủ đề này nhấn mạnh đến ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên môi trường trực tuyến.
Theo kế hoạch, các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm 2024, trong đó tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Mùa lễ hội, Tết âm lịch, các mùa mua sắm hoặc các dịp mua sắm cao điểm trên thị trường. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 được tập trung tổ chức trong tháng 3-2024 (tháng cao điểm) và kéo dài trong cả năm 2024, tùy theo tình hình thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức và địa phương.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung khẳng định, với sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội cũng như chính doanh nghiệp và người tiêu dùng, chắc chắn bức tranh xã hội về bảo vệ người tiêu dùng sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.