Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em trong gia đình
Liên tiếp những vụ bạo hành, đối xử bất bình đẳng đối với trẻ em xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy, công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với trẻ em trong gia đình cần được nâng cao.
Bé trai bị trói vào cột điện trong tình trạng không mặc quần áo, bị một người phụ nữ cầm chổi đánh đập, chửi bới, là vụ việc xảy ra hồi cuối tháng 8/2023, khiến cho nhiều người phẫn nộ về hành vi bạo hành trẻ em của người phụ nữ này. Vụ việc xảy ra ngay tại TP.HCM, sau đó cơ quan Công an đã vào cuộc, bắt giữ người phụ nữ bạo hành trẻ em này.
Gần đây, ngay đầu tháng 9/2023, là vụ việc một bé trai 4 tuổi bị bạn của mẹ 'ném' xuống sông ở An Giang, nguyên nhân của vụ việc có thể chỉ là do mâu thuẫn tình cảm cá nhân giữa mẹ của bé trai với người đàn ông thực hiện hành vi này. Ngày 12/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh An Giang cho biết, đã tạm giữ hình sự Huỳnh Hồng Hải (sinh năm 1983, ở khóm Tây Khánh 2, phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên) để điều tra về hành vi "Giết người".
Trước đó, tại nhiều nơi cũng đã xảy ra các vụ việc tương tự, liên quan đến bạo hành, đối xử bất bình đẳng với trẻ em tại Việt Nam. Mặc dù sau đó các đối tượng đã bị xử phạt, phải bắt buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, thậm chí còn phải chịu án "tử hình"… nhưng tình trạng này dường như vẫn chưa chấm dứt…
Thực tế này cho thấy chúng ta cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn, các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn, các tổ chức, cơ quan, đơn vị bảo vệ trẻ em cũng cần có những tiếng nói, hành động quyết liệt hơn để bảo vệ các em nhỏ.
Nguyên nhân của thực trạng này có thể có nhiều, từ mâu thuẫn cá nhân, từ bức xúc, ẩn ức trong các mối quan hệ của người lớn… thế nhưng cũng có thể còn do, trong các gia đình Việt Nam trước nay vẫn còn tồn tại quan niệm "Yêu cho roi cho vọt", chính quan niệm này khiến cho hành vi bạo hành con trẻ được mang một lớp vỏ ngụy tạo, nhiều bậc làm cha mẹ, người lớn còn lấy quan niệm này để bao biện cho hành vi bạo hành trẻ của họ.
Nhìn rộng hơn, bạo hành gia đình là hiện tượng không hiếm thấy trong xã hội hiện nay. Bạo hành có thể thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như, bạo hành về thể xác, bạo hành về tinh thần. Theo Luật Trẻ em 2016 thì, các hành vi bạo hành, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Hậu quả để lại của bạo hành đối với mọi đứa trẻ, nhẹ thì bị ám ảnh về các hành vi bạo hành, đánh đập, chửi bới nhục mạ… của người lớn, nặng thì bị tổn thương tâm lý sâu sắc, thậm chí kéo dài suốt cuộc đời. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý, sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Luật pháp của Việt Nam quy định rất rõ, tại Điều 37 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em".
Theo Luật Trẻ em 2016, quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, "Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em." và Điều 6 quy định rõ, các hành vi bị nghiêm cấm gồm 15 hành vi, trong đó, (12) nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.
Các văn bản hướng dẫn Luật Trẻ em còn có: Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Thông tư 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm; Thông tư 23/2017/TT-BYT hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng; Thông tư 33/2017/TT-BYT quy định về tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi; Thông tư 34/2017/TT-BYT hướng dẫn tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; Thông tư 30/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 34/2017/TT-BYT hướng dẫn tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em…
Mặc dù hệ thống luật pháp về bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng trẻ em của Việt Nam cũng tương đối đầy đủ, tuy nhiên, để hạn chế những tổn thương của trẻ em do bạo hành gia đình, cần có những biện pháp phòng ngừa và can thiệp kịp thời.
Từ phía gia đình, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững, cha mẹ, người thân cũng cần quan tâm, chia sẻ với con trẻ để nhanh chóng, kịp thời nắm bắt những thay đổi về tâm sinh lý của trẻ, tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về bạo hành gia đình và ảnh hưởng đối với trẻ em trong cộng đồng, trường học và các cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, xây dựng một môi trường nuôi dạy tích cực, thân thiện và an toàn cho trẻ em, trong đó cha mẹ và người chăm sóc sử dụng những phương pháp kỷ luật không bạo hành và tôn trọng quyền của trẻ em. Cha mẹ và nhà trường cũng cần phối hợp với nhau trong việc trang bị cho các con biết cách thức tự phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại, có những hành vi không đúng đắn với con em mình để các em có thể lên tiếng trước những hành vi xâm phạm quyền của trẻ em.
Cha mẹ, người giám hộ và các thầy- cô giáo cũng cần hướng dẫn các em cách tự bảo vệ mình, tìm đến những cơ quan có thể chia sẻ như Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, các Hội bảo vệ quyền trẻ em tại các địa phương, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - 111… Khi cần, chính các cơ quan có trách nhiệm trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em cũng cần phải nhanh chóng lên tiếng, vào cuộc. Như vậy mới có thể hy vọng giảm bớt được tình trạng bạo hành, đối xử bất bình đẳng đối với trẻ em.
Phương Anh
* Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện