Bảo vệ rong mơ gắn với phát triển sinh kế ở vùng biển Bình Sơn

Huyện Bình Sơn có khoảng 52km bờ biển, là một trong những đoạn bờ biển có nhiều vũng vịnh, bãi rạn san hô và thảm thực vật được xem là 'đệ nhất cảnh đẹp' của tỉnh Quảng Ngãi. Đặc biệt, vùng biển ven bờ huyện Bình Sơn còn có hệ sinh thái thực vật rong mơ diện tích khoảng 250ha, mang lại nguồn sinh kế dồi dào cho người dân nghề biển. Tuy nhiên, việc khai thác chưa song hành với bảo vệ đã khiến cho nguồn 'lộc biển' bị giảm sút cả về sản lượng và chất lượng.

Chuyên gia lấy mẫu rong mơ phục vụ công tác nghiên cứu. Ảnh: Văn Tánh

Chuyên gia lấy mẫu rong mơ phục vụ công tác nghiên cứu. Ảnh: Văn Tánh

Trong 10 năm trở lại đây, nghề khai thác rong mơ nở rộ và nhanh chóng trở thành nghề có thu nhập cao của ngư dân ở các xã Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải, Bình Châu, huyện Bình Sơn. Vào mùa thu hoạch, mỗi hộ gia đình có thể khai thác khoảng trên, dưới 6 tấn rong mơ, thu nhập cao nhất từ 60-70 triệu đồng. Nhiều ngư dân bảo rằng, rong mơ là thứ “lộc biển” giúp họ có thêm thu nhập bên cạnh nghề khai thác hải sản.

Mùa khai thác rong mơ ở Bình Sơn chỉ có một lần trong năm và diễn ra từ tháng 5 đến tháng 7. Thời gian ngắn ngủi nên vào mùa thu hoạch, ai nấy đều tất bật, hối hả với các công đoạn khai thác, phơi khô và tiêu thụ. Việc khai thác, sơ chế rong mơ diễn ra khá giản đơn, không quá tốn chi phí như nghề đánh bắt hải sản. Ông Lê Lúc, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải cho biết: “Đúng ngày 16/4 âm lịch, chúng tôi bắt đầu khai thác. Bà con có thúng thì bơi ra vớt khi nước cạn, người có ghe máy, bình hơi thì đến những khu vực xa hơn, lặn xuống nước, dùng liềm cắt rồi vận chuyển vào bờ. Gia đình đông thì làm được 4 đến 7 thúng/ngày, còn hai vợ chồng thì vớt khoảng 2-3 thúng”.

Rong mơ sau khi đưa vào bờ sẽ được người dân phơi và bán cho thương lái ngay trên bãi biển; thời gian phơi trong khoảng từ 1 đến 2 ngày, tùy thuộc vào thời tiết. Trung bình khoảng 4 tạ rong tươi, người dân thu được 1,5 tạ rong khô thành phẩm. Theo các nghiên cứu khoa học, rong mơ có nhiều công dụng bổ ích đối với sức khỏe con người.

Trong chu trình sống của rong mơ, thời gian phát triển cực đỉnh từ tháng 4 đến tháng 6. Sau thời gian cho sinh lượng cao nhất, chúng tàn lụi nhanh và biến mất hoàn toàn trong tháng 7 và 8. Từ khi hình thành mơ non đến khi cây đạt đến sự trưởng thành, thảm rong mơ trở thành bãi đẻ cho các loài cá kình, cá dìa, cá chuồn và nhiều loại thủy sản khác, là thức ăn của con non và là nơi ẩn nấp để tránh các loài săn mồi. Ông Nguyễn Tấn Thành, xã Bình Châu khẳng định: “Thảm thực vật rong mơ ở biển quê tôi là ngôi nhà của các loài cá, mực, tôm, cua... và là nơi quần tụ của các loài thủy sản di cư khác. Nhờ rong mơ mà hàng nghìn gia đình ngư dân sinh sống bằng nghề thủy sản ven bờ, ai cũng có cái ăn, cái mặc; nhiều người còn làm giàu ngay trên vùng biển cách bờ chưa quá 2 hải lý”.

Rong mơ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, điều này đã được minh chứng bằng thực tiễn. Chính quyền các cấp và người dân cũng đã thấy được nguồn lợi mà loại “lộc biển” này mang lại nên đã ban hành các chế tài về khai thác, thời điểm khai thác và hình thành các tổ cộng đồng bảo vệ rong mơ. Tuy nhiên, vào những năm có thời giá cao, rong mơ bị người dân khai thác non, dẫn đến chất lượng và số lượng xuống thấp, hệ sinh thái bị suy giảm nghiêm trọng. Hệ lụy hiển nhiên là nguồn hải sản cạn kiệt, ngư dân phải đầu tư chi phí rất lớn để vươn khơi xa, một số người không bám trụ được nghề biển xa bờ lại quay về khai thác rong mơ theo vòng luẩn quẩn.

Ngư dân xã Bình Hải thu hoạch rong mơ. Ảnh: Văn Tánh

Ngư dân xã Bình Hải thu hoạch rong mơ. Ảnh: Văn Tánh

Ông Bùi Văn Tấn, xã Bình Châu kể rằng, những năm trước, rong mơ ở vùng biển quê ông nổi trên mặt nước vàng rực như tấm thảm lụa và trải dài ngút ngàn. Bây giờ, lượng rong mơ đã bị giảm đến 40%. Ông Tấn lý giải: “Khi rong mơ trưởng thành, hạt của nó rơi xuống và được các rạn san hô giữ lại làm giống cho mùa mơ năm sau. Nạn khai thác sớm đã tàn phá thảm thực vật biển, hủy hoại nguồn sinh kế của bà con ngư dân”. “Phải có chính sách bảo vệ rong mơ một cách căn cơ, khoa học. Tôi mong việc này phải được thực hiện một cách sớm nhất đến từ các cấp, ngành quản lý” - ông Tấn nói.

Hiện tại, dự án "Bảo vệ, khai thác và phát triển rong mơ khu vực các xã ven bờ biển huyện Bình Sơn gắn với sinh kế bền vững cho cộng đồng” do Hội Nông dân huyện Bình Sơn làm chủ có sự hỗ trợ của các nhà khoa học, chuyên gia ngành thủy sản và BĐBP được triển khai ở các xã ven biển của địa phương như một hướng đi “nhất cử lưỡng tiện”: vừa bảo vệ rong mơ trước sức ép của biến đổi khí hậu, vừa tái tạo nguồn sinh kế cho người dân địa phương. Mục tiêu của dự án là bảo tồn rong mơ, xác lập mô hình sinh kế cộng đồng và hình thành cơ chế đồng quản lý để phân vùng bảo vệ và ra quyết định thời điểm được khai thác rong mơ hằng năm.

Tham gia dự án với vai trò chuyên gia, Tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn, nguyên giảng viên Trường Đại học Đà Lạt cho hay: “Chúng tôi sẽ tiến hành thu mẫu rong mơ để xác định thành phần, chủng loại, chất lượng các loài rong mơ đang hiện hữu trên vùng biển Bình Sơn. Ví dụ như, rong mơ không nhiễm các loại kim loại nặng, không nhiễm độc tố thì giá trị sử dụng sẽ cao hơn. Từ các nghiên cứu này sẽ phát triển vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP rồi cung cấp cho người tiêu dùng, chứ không để bà con bán sản phẩm thô như hiện nay”.

Dự án ra đời đã được đông đảo người dân các xã ven biển huyện Bình Sơn đồng tình ủng hộ, bởi họ đã nhận ra mối liên hệ giữa rong mơ và nguồn lợi thủy sản nên sẵn lòng tham gia ngăn chặn hành vi khai thác thiếu bền vững với niềm hy vọng có thể làm giàu trên vùng biển ven bờ từ các nguồn lợi do rong mơ mang lại.

Văn Tánh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ve-rong-mo-gan-voi-phat-trien-sinh-ke-o-vung-bien-binh-son-post489352.html