Bảo vệ rừng để hưởng lợi từ rừng
ĐBP - Bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 776.622ha đất lâm nghiệp. Tiềm năng lớn về đất lâm nghiệp là điều kiện để phát triển kinh tế từ rừng. Nhờ chú trọng phát triển kinh tế rừng, thời gian qua nhiều hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã hưởng lợi về thu nhập; đồng thời nhận thức về trồng và bảo vệ rừng không chỉ của chủ rừng mà cộng đồng dân cư gần rừng đã có chuyển biến rõ rệt.
Nuôi ong mật cũng là mô hình kinh tế khai thác lợi thế từ rừng. Trong ảnh: Công nhân Hợp tác xã ong mật Ðiện Biên khai thác mật ong.
Là một trong những hộ tiên phong khai thác hiệu quả kinh tế từ rừng bằng việc trồng cây thảo quả dưới tán rừng, gia đình ông Mùa Dúa Vàng, bản Ten Hon, xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) không chỉ thoát nghèo mà vươn lên làm giàu chính đáng. Năm 1992 ông Vàng đã quyết định trồng thử nghiệm 100 gốc thảo quả dưới tán rừng Tênh Phông. Thời gian đầu, ông loay hoay chưa tìm được đầu ra sản phẩm song đến năm 2000 thương lái ở Lào Cai đã tìm đến thu mua. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây thảo quả trồng dưới tán rừng của gia đình ông phát triển tốt. Ðến nay, ông đã mở rộng diện tích trồng thảo quả hơn 3ha. Trung bình, diện tích thảo quả cho gia đình ông thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm. Ðược hưởng lợi từ rừng, gia đình ông Vàng ngày càng ý thức bảo vệ rừng và trồng thêm cây mới, đồng thời tuyên truyền, vận động nhiều người dân trên địa bàn cùng tham gia.
Từ thực tiễn muốn phát triển kinh tế từ rừng, không chỉ với cây thảo quả mà nhiều loại cây dược liệu khác hay các loại lâm sản phụ, ngoài yếu tố điều kiện thời tiết, khí hậu cần có tán rừng dày, độ ẩm cao. Ðiều đó cũng có nghĩa phải làm tốt công tác bảo vệ rừng. Do đó, thời gian qua, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương đã triển khai các giải pháp khai thác và phát triển tài nguyên rừng hợp lý. Trọng tâm là tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá rừng, tham gia trồng mới, chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ rừng; gắn việc phát triển rừng với phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân sống gần rừng từng bước có thu nhập từ rừng. Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, tổ chức, cộng đồng; thực hiện định canh định cư; thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển, bảo vệ rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Cùng với khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên, người dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia trồng rừng. Với hơn 5 nghìn héc ta rừng trồng, đã góp phần quan trọng nâng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và tạo cơ hội tăng thu nhập cho người dân với các mô hình kinh tế dưới tán rừng.
Không những thế, thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhiều hộ dân còn được hưởng thu nhập ổn định từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chi trả hơn 161 tỷ đồng cho các chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Ðây cũng là động lực, khuyến khích người dân tích cực, chủ động tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Không những thế, nhằm giúp chủ rừng thuận tiện hơn trong việc nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, cùng với việc chi trả bằng tiền mặt, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng còn phối hợp với cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn chủ rừng mở tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch thanh toán điện tử. Kết quả năm 2020, toàn tỉnh đã có thêm 161 chủ rừng mở tài khoản Viettel Pay, nâng tổng số chủ rừng có tài khoản ngân hàng toàn tỉnh lên 2.158 người.