Bảo vệ rừng di sản
Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) thuộc địa phận các huyện Minh Hóa, Bố Trạch. Đây là VQG có diện tích lớn nhất Việt Nam, chứa đựng nhiều giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất địa mạo, đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Để giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị ngoại hạng, đặc biệt là những khu rừng đặc dụng, phòng hộ, lực lượng Kiểm lâm của VQG đóng vai trò rất quan trọng…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB Phạm Văn Tân cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 123.300ha rừng đặc dụng, hơn 3.153ha rừng phòng hộ và 407ha rừng sản xuất. Hiện trạng tài nguyên rừng trong khu vực phần lớn là rừng giàu và rừng trung bình (chiếm 64% tổng diện tích rừng); đồng thời VQG PN-KB là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, lưu giữ nhiều loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN. Bởi vậy, ngoài chú trọng thực hiện bảo vệ rừng (BVR) tại gốc, công tác tuyên truyền giáo dục trong lĩnh vực lâm nghiệp đối với cộng đồng dân cư các xã vùng đệm VQG luôn được chú trọng.
Năm 2024, Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về BVR; phòng, cháy chữa cháy rừng, bảo vệ đa dạng sinh học thông qua nhiều hình thức khác nhau; đồng thời triển khai nhiều đợt tuyên truyền, trong đó tập trung vào nội dung bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; thực hiện ký cam kết với các hộ gia đình có diện tích nương rẫy giáp ranh không được lấn chiếm đất, rừng VQG, vận động bà con thôn, bản tham gia BVR, bảo vệ môi trường; nhắc nhở các hộ gia đình ý thức trong việc sử dụng lửa; theo dõi, giám sát chặt chẽ từng nhóm đối tượng thường xuyên vào VQG thực hiện các hành vi vi phạm để có các biện pháp tuyên truyền, vận động và đề nghị chính quyền địa phương phối hợp giáo dục, răn đe; đẩy đuổi các đối tượng đến buôn bán, trao đổi hàng hóa bất hợp pháp trên địa bàn.
Mặt khác, Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các xã, thị trấn vùng đệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện giao nộp vũ khí, góp phần ổn định an ninh trật tự địa bàn và nhằm giảm thiểu đe dọa đến các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài linh trưởng; triển khai các hoạt động tuyên truyền vận động người dân vùng đệm VQG, các cá nhân, tổ chức hoạt động trên địa bàn chấp hành các quy định về BVR, giữ gìn vệ sinh môi trường, mỹ quan VQG…
Năm 2024, Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB đã tổ chức 5 hội nghị cấp thôn, bản, 282 đợt tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật đến 261 lượt tổ dân phố, thôn, bản trên địa bàn các xã, thị trấn vùng đệm VQG, với sự tham gia của 5.085 lượt người dân trên địa bàn vùng đệm…
“Với những nỗ lực và triển khai nhiều biện pháp, công tác quản lý BVR ở VQG PN-KB cơ bản được thực hiện tốt, các biện pháp BVR đã phát huy hiệu quả; trên địa bàn quản lý không xảy ra các vụ việc nổi cộm, không để xảy ra cháy rừng; hạn chế đến mức thấp nhất các tác động và thiệt hại đến tài nguyên VQG; số vụ vi phạm hành chính giảm về số lượng người vi phạm. Tuy nhiên, công tác quản lý BVR vẫn còn có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, tình trạng một bộ phận nhỏ lẻ người dân vào rừng khai thác lâm sản trái phép, săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã trên địa bàn được giao quản lý, bảo vệ vẫn còn xảy ra…”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB thông tin.
Tháo gỡ những vướng mắc
Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB năm 2025 được giao 129 biên chế, trong đó có 4 công chức, 125 viên chức và 4 hợp đồng lao động. Là lực lượng nòng cốt trực tiếp tham mưu Ban Quản lý VQG PN-KB và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, BVR trên diện tích rừng lớn. Đây là vinh dự nhưng cũng là nhiệm vụ hết nặng nề, khó khăn với nhiều áp lực, vất vả và nguy hiểm cho lực lượng Kiểm lâm. Ngoài công việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát BVR tại gốc, thực thi pháp luật về lâm nghiệp; phòng, cháy chữa cháy rừng trên toàn lâm phận được giao quản lý, bảo vệ, lực lượng Kiểm lâm VQG còn tham gia thực hiện nhiệm vụ giám sát các tour, tuyến du lịch, giám sát đa dạng sinh học.
Theo chia sẻ của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB, hiện nay, thực hiện Nghị định số 159/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP, ngày 1/1/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách BVR đã được ban hành; đồng thời Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kết luận số 968-KL/TU, ngày 26/12/2024 về triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh.
Năm 2024, Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB đã tổ chức 1.833 đợt tuần tra, BVR; tháo gỡ 1.404 sợi dây bẫy; phá hủy 9 điểm nghỉ trái phép; đẩy đuổi 20 lượt người vào rừng trái phép; tổ chức 228 đợt tuần tra, quản lý, bảo vệ quần thể Bách xanh đá; phát hiện và ra quyết định xử lý đối với 4 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp…
Đứng trước những thay đổi về sắp xếp, cơ cấu tổ chức, trong thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm VQG PN-KB chuyển thành lực lượng chuyên trách BVR, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền hạn, chế độ của cán bộ đang công tác. Khi đó lực lượng BVR tại VQG sẽ không có đầy đủ chức năng, quyền hạn để thực hiện nhiệm vụ như Kiểm lâm VQG hiện tại (do lực lượng BVR chuyên trách không được trang bị vũ khí, không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và khởi tố vụ án hình sự đối với các vụ vi phạm...). Đồng thời, mức thu nhập cho cán bộ trực tiếp thực hiện công tác quản lý bảo vệ VQG sẽ giảm xuống thấp (giảm khoảng 33,3% lương hiện hưởng); các chế độ, phụ cấp sẽ không còn, như: Phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại nguy hiểm, phụ cấp lưu động, phụ cấp thâm niên nghề...
“Chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, vận động anh em ổn định tư tưởng, nỗ lực đoàn kết, thống nhất để thực hiện hiệu quả công tác BVR, bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB. Tuy vậy, trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh xem xét, quan tâm đến chế độ chính sách hợp lý cho cán bộ để bảo đảm cuộc sống, an tâm công tác…”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB thông tin thêm.
Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202501/bao-ve-rung-di-san-2223862/