Bảo vệ rừng – sự sống còn. Bài 2
Bài 2: Tháo nút thắt, bứt phá bảo vệ rừng
Tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu giữ ổn định tỷ lệ và nâng cao chất lượng độ che phủ rừng đạt 43% theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đồng thời góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Đây là một trong những mục đích đặt ra của UBND tỉnh để thực hiện Kết luận số 61 – KL/TW và các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Trung ương thời gian qua.
Nghề bảo vệ rừng - áp lực và không đủ sống
Ban Cán sự UBND tỉnh Bình Thuận đã nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực lâm nghiệp trong sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 05 -NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV). Trong đó đề cập đến nút thắt chưa được giải quyết hiện nay, đó là lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách (BVRCT) ở các đơn vị chủ rừng thời gian qua chính là lực lượng nòng cốt, tuyến đầu, trực tiếp bám rừng, ăn, ngủ với rừng, làm nhiệm vụ tuần tra, quản lý BVR. Đây cũng là đội ngũ đương đầu, đấu tranh, trấn áp các đối tượng vi phạm về khai thác, vận chuyển lâm sản, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất rừng. Tuy nhiên, thực trạng kiểm lâm viên, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc hay bỏ việc, chuyển công tác ngày càng phổ biến. Thực tế này diễn ra không phải bây giờ mà đã xảy ra từ mấy năm trước. Phải chăng, nguyên nhân chính của họ là áp lực và không đủ sống từ nghề giữ rừng?
Để hiểu thêm về những người giữ rừng, chúng tôi có mặt tại BQL RPH Lê Hồng Phong (Bắc Bình). Đây được xem là địa bàn khô hạn, rộng lớn, với diễn biến phức tạp về tình trạng lấn chiếm đất rừng, nên gánh nặng trách nhiệm đối với những người trực tiếp giữ rừng lại càng tăng gấp bội. Ông Lê Châu Thành - Trưởng BQL RPH Lê Hồng Phong là người thấu hiểu được sự vất vả của anh em bảo vệ rừng trên địa bàn, chia sẻ: Ban đang quản lý trên 15.300 ha rừng, gồm 23 tiểu khu. Vùng quản lý hầu hết là rừng phòng hộ, địa hình đi lại khó khăn, dù không có diện tích rừng giáp với tỉnh bạn, nhưng lại là địa bàn diễn biến phức tạp về nạn lấn chiếm đất rừng. Đây là những nơi giáp ranh có nhiều đặc điểm phức tạp, bao gồm các địa phương giáp khu dân cư, rẫy của dân, giáp biển.
Đáng chú ý, lực lượng BVRCT phải làm việc gần như 24/24. Trong đó mỗi một lực lượng BVRCT phải “gánh” trên vai từ 500 – 700 ha rừng, nên cho dù ngày nghỉ theo chế độ mà ngày hôm sau phát hiện để xảy ra mất rừng thì nguy cơ đối diện với trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, khi phát hiện vụ việc, không phát hiện đối tượng thì cũng phải chịu trách nhiệm bị khởi tố vụ án.
Trong câu chuyện kể dở dang của chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Công – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Lê Hồng Phong tranh thủ giờ nghỉ ít ỏi sau chuyến tuần tra rừng chia sẻ thêm: Do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên gặp khó khăn trong quản lý. Ngoài ra, công cụ hỗ trợ phục vụ cho các trạm chỉ có dụng cụ thô sơ, nên khi gặp đối tượng manh động rất nguy hiểm. Quá trình công tác gặp nhiều trường hợp manh động, chống đối. Ông Công chứng minh: Cách đây hơn một năm, trong ca trực ban đêm, bản thân ông bị một số đối tượng ngoài địa phương chống trả, bị thương.
Đó là chưa kể do địa hình rừng núi nên việc đi lại bằng xe rất khó khăn, chủ yếu đi bộ. Việc sinh hoạt, ăn ở của lực lượng BVRCT cũng hết sức thiếu thốn, các chốt bảo vệ rừng không có điện, nước, sóng điện thoại và khoảng cách đường đi lại để mua lương thực, thuốc men từ trạm đến khu dân cư xa xôi, bất tiện...
Nút thắt
Từ thực tiễn quá trình triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng: Hiện nay, một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng về lâm nghiệp được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 đã không còn phù hợp với Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đơn cử như theo quy định mức khoán hỗ trợ đầu tư phát triển rừng như, đơn giá hiện nay là 300.000 đồng/ha, mỗi hộ gia đình được nhận khoán không quá 30 ha, thì 1 năm, mỗi hộ chỉ được 9 triệu đồng, không bảo đảm thu nhập của người dân nhận khoán bảo vệ rừng. Đề nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành “Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản” để các chính sách đầu tư và phát triển rừng được toàn diện, thống nhất; trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực từ Trung ương hỗ trợ cho các thành phần tham gia trồng, bảo vệ và phát triển rừng đặc biệt tại các khu vực miền núi.
Theo UBND tỉnh, vai trò của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đặc biệt quan trọng. Đây là những người trực tiếp bám cơ sở, bám rừng để triển khai các kế hoạch; trực tiếp tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng; ngăn chặn đối tượng xâm nhập rừng trái phép; chủ động các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ chỉ cơ bản được hưởng lương mà chưa có thêm các chế độ hỗ trợ thật phù hợp với đặc thù công việc đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tinh thần công tác của lực lượng này. Trong khi đó tình hình hoạt động của lâm tặc ngày càng diễn biến phức tạp. Các đối tượng xâm hại rừng có hành vi manh động, táo bạo, có thể dùng hung khí, súng tự chế để chống trả gây thương tích cho lực lượng tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng để tẩu tán lâm sản. Do vậy bên cạnh các giải pháp bảo vệ rừng đang triển khai, đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo xây dựng chế độ, chính sách đặc thù cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đảm bảo thu nhập. Từ đó, chắc chắn sẽ tạo động lực, sự yên tâm trong công việc bảo vệ rừng, để những công sức, sự hy sinh của họ được bù đắp xứng đáng.
Như đánh giá của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Kết luận số 61 - KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13 – CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng: Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13 – CT/TW, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cấp ủy, đảng viên và nhân dân về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, kết quả thực hiện Chỉ thị còn hạn chế. Trong đó, đánh giá nhấn mạnh chính sách giao đất, giao rừng, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng chưa phù hợp với lợi ích chính đáng của người được giao, nhận khoán. Đời sống người làm nghề rừng, người dân ở khu vực có rừng còn nhiều khó khăn... Theo Ban Bí thư Trung ương Đảng, những hạn chế nêu trên chủ yếu do nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững chưa đầy đủ. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền thiếu quyết liệt, chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị.
Được biết liên quan đến các chính sách về lâm nghiệp, ngày 24/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2024/NĐ -CP về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp. Trong đó tại khoản 3 Điều 19 về mức kinh phí khoán bảo vệ rừng: Mức kinh phí khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ ngân sách nhà nước bình quân 500.000 đồng/ha/năm. Đối với diện tích rừng thuộc xã khu vực II, III bằng 1,2 lần mức bình quân, vùng đất ven biển bằng 1,5 lần mức bình quân. Như vậy, mức tăng từ 300.000 đồng/ ha/năm lên 500.000 đồng/ha/năm khi được áp dụng thực tế sẽ góp phần tăng thu nhập của lực lượng giữ rừng.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng số lực lượng BVRCT được giao hiện nay 527 người. Tổng số lực lượng BVRCT đã được tuyển dụng, đang hoạt động 464 người, còn thiếu chưa tuyển dụng được 63 người. Trong khi đó, theo báo cáo các đơn vị chủ rừng, tình hình xin nghỉ việc của lực lượng BVRCT vẫn còn tiếp tục diễn ra, song việc tuyển dụng mới gặp nhiều khó khăn do không có người tham gia vì áp lực công việc cao nhưng thu nhập thấp.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bao-ve-rung-su-song-con-bai-2-123470.html