Bảo vệ rừng từ mô hình sinh kế dưới tán rừng
ĐBP - Nhằm tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ nông dân, đồng thời góp phần bảo vệ rừng bền vững, từ năm 2019 đến nay huyện Tủa Chùa triển khai 2 dự án liên kết. Một là dự án 'Sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây sa nhân xanh' với quy mô 16,9ha do Công ty TNHH Giống Lâm nghiệp Tây Bắc tỉnh Ðiện Biên chủ trì thực hiện, thu hút 99 hộ tham gia trên địa bàn các xã: Tủa Thàng, Mường Ðun, Tả Phìn. Dự án thứ hai là 'Sản xuất và tiêu thụ mắc ca' quy mô liên kết 18ha tại 2 xã Mường Ðun, Mường Báng do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tuấn Thịnh Ðiện Biên thực hiện.
Người dân xã Mường Ðun chăm sóc diện tích sa nhân trồng dưới tán rừng.
Gia đình ông La Văn Xém, thôn Tà Si Láng, xã Tủa Thàng là một trong những hộ tham gia mô hình trồng sa nhân xanh. Ông Xém trồng sa nhân trên diện tích 3.000m2 nương cũ bỏ hoang đã lâu. Ông Xém cho biết: Cây sa nhân thuộc loại cây dược liệu, trồng xen dưới tán rừng; sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch, nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10 - 12 năm. Hiện nay, sau 2 năm trồng cây phát triển rất tốt, một số diện tích trồng đang bói quả. So với các loại cây trồng khác, cây sa nhân không phải làm cỏ và chỉ bón phân một lần lúc mới trồng, nên chi phí đầu tư ít. Rễ cây sa nhân lan tới đâu thì diện tích sa nhân cũng được mở rộng tới đó góp phần tạo nên thảm thực vật dưới tán rừng.
Xã Tủa Thàng có 6ha sa nhân trong dự án, tập trung tại thôn Tà Si Láng. Những diện tích trồng sa nhân chủ yếu là đất nương đã bỏ hoang lâu năm và dưới tán rừng.
Ông Lò Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng cho biết: Mô hình nông lâm kết hợp là một biện pháp kỹ thuật tổng hợp nhằm kết hợp cây thân gỗ lâu năm với cây ngắn ngày, tạo ra nhiều sản phẩm mà vẫn giữ được độ che phủ mặt đất, chống xói mòn rửa trôi và bạc màu đất. Thông qua mô hình trồng cây sa nhân sẽ từng bước giúp nông dân thay đổi cách nghĩ và cách làm, biết tận dụng tiềm năng về đất đai để tạo thêm nguồn thu nhập. Hiện nay, khi có các nguồn vốn về hỗ trợ sản xuất, người dân chủ động kiến nghị hỗ trợ trồng cây sa nhân, do đó diện tích sa nhân đã mở rộng lên 8,5ha tại các thôn Ðề Chu và Tà Huổi Tráng.
Trên địa bàn xã Mường Ðun, ngoài 3ha sa nhân trồng năm 2019 theo dự án, năm 2020 xã tham gia trồng thử nghiệm 10ha mắc ca. Dự án được thực hiện theo phương thức liên kết giữa đơn vị chủ trì và người dân. Những hộ tham gia được hỗ trợ đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, kiểm soát đầu vào và đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Qua kiểm tra thực tế đến nay tỷ lệ cây sống đạt trên 80%, sinh trưởng phát triển tốt. Theo dự toán, cây mắc ca khi thu hoạch sẽ đem lại lợi nhuận ổn định cho các hộ dân từ 50 - 70 triệu đồng/ha/năm.
Ông Cà Văn Phiến, Chủ tịch UBND xã Mường Ðun cho biết: Trồng cây mắc ca và sa nhân là hướng đi mới nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào canh tác, phù hợp với khí hậu của địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó nhằm tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân học tập, nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả thay thế bằng cây có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo gắn với bảo vệ môi trường. Những mô hình sinh kế này còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.