Bảo vệ rừng ven biển mùa nắng nóng

Quảng Bình hiện đang bước vào cao điểm nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng, nhất là dải rừng phòng hộ, rừng sản xuất ven biển. Hiện, các đơn vị chức năng đang huy động hết quân số, lực lượng, sẵn sàng ứng phó với các tình huống để bảo đảm an toàn cho những cánh rừng.Để bảo vệ tốt nhất các cánh rừng không gì quan trọng hơn là nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân sống cạnh rừng. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ rừng, các địa phương cần có giải pháp để người dân sống được với rừng, có thu nhập từ việc giao khoán rừng, bảo vệ rừng…

Rừng dễ cháy vào mùa nắng nóng

Rừng ven biển có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường; có chức năng phòng hộ chống cát bay, cát chảy, giảm nhẹ thiên tai, hạn chế biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan, điều tiết nguồn nước, khí hậu, hạn chế biển xâm thực, bảo vệ khu dân cư, canh tác nông nghiệp và hệ thống cơ sở hạ tầng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng-an ninh khu vực ven biển.

Vùng ven biển tỉnh Quảng Bình có diện tích 28.775ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó đất có rừng là gần 16.000ha thuộc 32 xã, phường của các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, TX. Ba Đồn và TP. Đồng Hới; trong đó có 19 xã giáp biển và 13 xã có địa hình chủ yếu là đất cát tiếp giáp các xã ven biển. Rừng ven biển chủ yếu là rừng trồng với mục đích phòng hộ gồm các loài cây như phi lao, keo lá tràm, keo lưỡi liềm trồng trên cát; thông, bạch đàn, keo lai…

Khu vực phía Bắc của tỉnh, gồm huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và TX. Ba Đồn có dải rừng ven biển hẹp, chủ yếu là phi lao trên 15 tuổi, gần bờ biển, phát triển tương đối tốt, tạo cảnh quan môi trường và phòng hộ, ngăn chặn biển xâm thực, che chắn gió bão cho các khu dân cư. Ngoài diện tích rừng tại khu vực đèo Ngang và đèo Lý Hòa do các đơn vị chủ rừng quản lý, diện tích còn lại chủ yếu là rừng do UBND cấp xã trực tiếp quản lý, được chính quyền địa phương và người dân bảo vệ tốt, hầu như chưa xảy ra cháy khi thời tiết nắng nóng những năm gần đây.

Lực lượng chức năng kiểm tra rừng ven biển vào mùa nắng nóng.

Lực lượng chức năng kiểm tra rừng ven biển vào mùa nắng nóng.

Khu vực ven biển phía Nam, thuộc TP. Đồng Hới, huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy có địa hình tương đối rộng, nhiều cồn cát cao, xen lẫn vùng trũng thấp ngập nước vào mùa mưa, rừng trồng chủ yếu là keo các loại, phi lao thấp, thưa, nhiều chỗ chưa bảo đảm tiêu chuẩn thành rừng; nhiều khu rừng có thảm thực bì dày, tiếp giáp với đường giao thông, xen lẫn với khu dân cư, nghĩa địa nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 5 vụ cháy với diện tích hơn 24ha, làm thiệt hại khoảng 9,6ha rừng trồng tại các xã Hải Ninh, Võ Ninh (Quảng Ninh), Ngư Thủy (Lệ Thủy)…

Anh Trần Văn Châu, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Dinh Mười thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình cho biết: Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài. Mặt khác, diện tích rừng trên cát ven biển có nhiều khu dân cư và tuyến đường đi qua, trong đó có tuyến đường tránh Quốc lộ 1 xuyên qua nên các hoạt động, như: Xe dừng chân cho khách nghỉ ngơi, hút thuốc cũng có nguy cơ gây cháy rừng rất cao; người dân đốt ong, đốt vàng mã ở các nghĩa trang, đốt rác vô ý cũng có thể gây cháy rừng. Dự báo thời gian tiếp theo khi mùa nắng nóng, nhiệt độ còn tăng cao, các lực lượng chức năng đang tăng cường các biện pháp, nhằm hạn chế thấp nhất cháy rừng có thể xảy ra.

Nâng cao ý thức bảo vệ rừng

Theo Phó Giám đốc BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình Đinh Thanh Quang cho biết: Diện tích rừng trồng ven biển do đơn vị quản lý là 10.000ha, tiếp giáp với đường giao thông, xen lẫn với khu dân cư, nghĩa địa, các hoạt động bất cẩn của người dân có thể gây cháy rừng rất cao. Vì thế, ngay từ đầu năm 2024, nhất là thời điểm bước vào mùa nắng nóng, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra cháy rừng. Trong đó, đơn vị tập trung vào việc tuyên truyền để nâng cao ý thức, tính tự giác và sự ủng hộ của người dân đối với công tác phòng, chống cháy rừng.

Cán bộ Trạm bảo vệ rừng Dinh Mười túc trực tại chòi canh lửa 24/24 giờ nhằm phát hiện sớm các điểm cháy rừng.

Cán bộ Trạm bảo vệ rừng Dinh Mười túc trực tại chòi canh lửa 24/24 giờ nhằm phát hiện sớm các điểm cháy rừng.

Trên cơ sở phương án PCCCR của đơn vị, các trạm bảo vệ rừng xây dựng phương án và triển khai công tác PCCCR phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Ngay từ đầu năm, đơn vị tổ chức tu sửa các công trình PCCCR, lắp đặt thêm các biển cấm lửa, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ PCCCR, tổ chức xây dựng phương án xử lý thực bì trước mùa nắng nóng.

Chỉ đạo các trạm bảo vệ rừng kiểm tra xác định vùng trọng điểm cháy, chuẩn bị các trang thiết bị, dụng cụ PCCCR để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Vào các đợt cao điểm nắng nóng, phân công lực lượng trực tại các chòi canh lửa và các khu vực rừng dễ xảy ra cháy rừng như khu vực gần các bãi tập kết rác sinh hoạt của người dân, gần khu vực có nhiều lăng mộ, trên tuyến đường tránh và khu vực có thảm thực bì dày có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi thời tiết, nắm chắc tình hình, chủ động trước mọi tình huống, chuẩn bị tốt phương châm “4 tại chỗ” trong PCCCR, huy động lực lượng chữa cháy kịp thời, hiệu quả khi có cháy xảy ra.

Để bảo vệ rừng ven biển, BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình cũng đã tiến hành ký cam kết phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR với chính quyền địa phương có liên quan, các đơn vị, doanh nghiệp, hộ dân sống gần rừng và ven rừng. Khi có cháy rừng xảy ra cùng phối hợp tham gia chữa cháy; đồng thời báo cáo, thông tin liên lạc với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi có đám cháy xảy ra để người dân cùng tham gia chữa cháy.

Ông Nguyễn Văn Liệc, xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) cho biết: “Những ngày cao điểm như hiện nay, rừng ven biển rất dễ bị cháy. Vì vậy người dân chúng tôi luôn nâng cao ý thức bảo vệ rừng, cam kết không mang lửa vào rừng, không tự ý đốt lửa, đốt rác, hương, vàng mã… gây cháy rừng. Khi có cháy rừng xảy ra, chúng tôi cũng tích cực tham gia cùng các lực lượng chức năng để dập tắt lửa cháy lan ra diện rộng.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Văn Long cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng ven biển, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng và phục hồi rừng ven biển, nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, lực lượng bảo vệ rừng về vai trò, giá trị của rừng ven biển. Tiếp tục quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng ven biển hiện có, quản lý chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Tăng cường thực hiện tốt công tác PCCCR, hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng xảy ra gây thiệt hại về tài nguyên rừng ven biển.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202406/bao-ve-rung-ven-bien-mua-nang-nong-2218998/