Bảo vệ sản phẩm nông nghiệp

Nhật Bản vừa ban hành lệnh cấm mang hoặc gửi ra nước ngoài hạt giống, cây giống được nghiên cứu và phát triển trong nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Alamy

Ảnh minh họa. Nguồn: Alamy

Điều luật về Hạt giống và Bảo vệ sự đa dạng thực vật của Nhật Bản vừa được sửa đổi cũng quy định các bên phát triển hạt giống phải tuân thủ việc giới hạn địa điểm xuất khẩu cũng như khu vực sản xuất đối với các loại cây mới được đăng ký. Đây là biện pháp mới nhất được Chính phủ Nhật Bản triển khai để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.

Lệnh cấm trên được đưa ra sau khi xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại các loại hạt giống và cây giống từng được đăng ký bản quyền tại Nhật Bản có thể bị chuyển ra nước ngoài. Như trường hợp của giống nho mẫu đơn Shine Muscat nổi tiếng bị đưa ra trồng và bán ở nước ngoài khi chưa được sự đồng ý của người tạo giống cây trồng trong nước. Shine Muscat vốn là thành quả kéo dài 18 năm tại một viện nghiên cứu quốc gia của Nhật Bản. Ngoài Shine Muscat, mặt hàng dâu tây thượng hạng của Nhật Bản cũng được phát hiện trồng ở nước ngoài. Bộ Nông nghiệp Nhật Bản ước tính, nước này thiệt hại 22 tỷ yen (tương đương 202 triệu USD) trong 5 năm vì giống cây bị chuyển ra nước ngoài. Bên cạnh việc ngăn chặn chuyển hạt giống và cây giống ra nước ngoài, chính phủ và các công ty Nhật Bản còn áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt để ngăn ngừa các sản phẩm nhái các mặt hàng trái cây mang thương hiệu Nhật Bản vốn có giá trị và chất lượng kém hơn so với hàng thật.

Việc siết chặt quản lý các sản phẩm nông nghiệp do Nhật Bản phát triển được dư luận nước này rất ủng hộ vì giúp bảo vệ giá trị thương hiệu “Made in Japan”. Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, thế mạnh của các sản phẩm nông nghiệp nước này nằm ở chất lượng cao do áp dụng hiệu quả kiến thức sinh học kết hợp tự động hóa canh tác. Việc sửa đổi luật có tác dụng lớn trong việc ngăn các loại cây trồng mới không bị chuyển ra nước ngoài, tăng giá trị xuất khẩu hàng nông sản tại Nhật Bản, đồng thời khuyến khích phát triển nghề nông tại xứ Mặt trời mọc.

Do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều lao động tại Nhật Bản đã đăng ký tìm việc trong lĩnh vực nông nghiệp như một công việc làm thêm để cải thiện thu nhập. Các công ty sản xuất nông nghiệp địa phương cũng đã kết hợp với cơ sở tuyển dụng nhân lực để triển khai những ứng dụng, mở các dịch vụ tư vấn nhằm tạo hiệu quả hơn trong kết nối giữa người lao động và các công ty sản xuất nông nghiệp. Xu hướng tăng lao động trong ngành nông nghiệp đang giúp giải quyết phần nào những khó khăn về vấn đề thiếu hụt lao động trong ngành này.

THANH HẰNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bao-ve-san-pham-nong-nghiep-730368.html