Bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai

Tình trạng suy thoái đất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sống và sức khỏe người dân. Nắm bắt được tầm quan trọng của vấn đề, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.

Người dân ủ rác thải hữu cơ thành phân vi sinh để bón cho cây trồng, cải thiện độ phì nhiêu của đất, hạn chế tác hại đến môi trường. Trong ảnh: Một hộ dân tại xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên chăm sóc cây bằng phân bón vi sinh

Sử dụng hợp lý, khoa học

Những năm qua, tỉnh đã chú trọng công tác lập quy hoạch sử dụng đất đai hợp lý, khoa học, bảo đảm tính bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và nhu cầu phát triển của địa phương. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng tới các dự án tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng, đầu tư xây dựng công viên xanh, các công trình công cộng phục vụ cộng đồng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến cuối năm 2023, sở quản lý 45 khu đất với diện tích 492,9 ha, trong đó bàn giao về địa phương quản lý 23 khu với diện tích hơn 115 ha để chỉnh trang đô thị và phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, sở thực hiện đấu giá thành công 5 khu đất với tổng diện tích 45,67 ha, nộp ngân sách hơn 173 tỷ đồng, tiếp tục rà soát để tiếp nhận 17 khu đất với diện tích hơn 331 ha. Cùng với đó sở đã tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 26 công trình, dự án, trong đó phải kể đến các công trình trọng điểm của tỉnh về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế để sử dụng nguồn tài nguyên đất có hiệu quả. Tại lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm 2024, bà Trần Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.Bến Cát, cho biết: “Bến Cát có diện tích đất tự nhiên hơn 23.435 ha, không có đất bị suy thoái hoặc bị hạn hán và sa mạc hóa. Đây là một lợi thế tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với địa hình bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, giao thông thuận lợi… TP.Bến Cát là địa phương lý tưởng được rất nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Hiện trên địa bàn thành phố có 8 khu công nghiệp và hơn 6.000 dự án đầu tư, đóng góp tăng trưởng kinh tế cho địa phương nói riêng, Bình Dương nói chung.

Là huyện nông thôn của tỉnh, Phú Giáo có quỹ đất nông nghiệp lớn, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt, cũng như chuyển đổi sang đất công nghiệp để hình thành các khu, cụm công nghiệp. Tính đến năm 2023, tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn huyện đạt hơn 38.504 ha. Cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích cây hàng năm, tăng diện tích cây công nghiệp lâu năm ở những khu vực thổ nhưỡng phù hợp. Bên cạnh phát triển cây chủ lực là cao su, huyện còn hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ven sông, suối.

Theo ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, huyện phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái có diện tích và sản lượng lớn, như cao su, điều, hồ tiêu, cam, bưởi, sầu riêng... Hiện trên địa bàn huyện có 732 hộ, cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 117 cơ sở có giấy chứng nhận VietGAP. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm.

Bảo vệ, phát triển bền vững

Bên cạnh việc sử dụng nguồn tài nguyên đất có hiệu quả, những năm qua, tỉnh đã sử dụng các biện pháp nhằm chống xói mòn, thoái hóa, ô nhiễm đất... hướng tới sự phát triển bền vững; khuyến khích áp dụng các biện pháp canh tác hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Trồng cây phủ xanh đất trống, trồng cây ven sông, ven suối cũng được chú trọng góp phần bảo vệ đất và tăng cường hệ sinh thái. Đặc biệt, tỉnh chú trọng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc sử dụng nguồn tài nguyên đất hiệu quả, phát triển bền vững

Một trong những biện pháp được một số địa phương trên địa bàn tỉnh sử dụng nhằm tái tạo đất, giảm ô nhiễm môi trường đó là biến rác thải hữu cơ thành nguồn phân bón dinh dưỡng cho cây trồng. Tại TP.Tân Uyên, UBND thành phố đã phối hợp tổ chức tập huấn quy trình thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình theo phương pháp IMO (ủ phân vi sinh). Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết: “Việc sử dụng rác thải hữu cơ ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng giúp cải thiện chất lượng đất và tăng năng suất cây trồng, bảo vệ nguồn nước và đất đai”.

Tại huyện Phú Giáo, người dân địa phương chủ yếu phát triển chăn nuôi và trồng trọt. Theo lãnh đạo huyện, để bảo vệ nguồn tài nguyên đất bền vững, huyện khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao đi đôi với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác quan trắc môi trường, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phúc tra về môi trường đối với các trại chăn nuôi, cơ sở kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Cần phải coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn với các chương trình dự án, sáng kiến có liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sinh kế bền vững. Để bảo vệ nguồn tài nguyên đất và bảo vệ môi trường cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp. Đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải, chôn lấp chất thải không đúng quy định vào môi trường đất.

TIẾN HẠNH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/bao-ve-su-dung-hieu-qua-nguon-tai-nguyen-dat-dai-a324098.html