Bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm không khí kéo dài
Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc những ngày gần đây vẫn ở ngưỡng xấu. Để bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ ô nhiễm không khí kéo dài, cần có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Hệ quả đối với sức khỏe do ô nhiễm không khí
Theo thông báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những ngày qua, chỉ số ô nhiễm ở các tỉnh như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên và Thái Bình ở mức “rất xấu”, tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân. Vào sáng ngày 5/1/2025, chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức chỉ số ô nhiễm cao nhất, đứng thứ 3 trên thế giới.
Những tác động của ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mà còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu, chủ yếu do các bệnh đường hô hấp, tim mạch và ung thư phổi. Tại Việt Nam, hàng chục ngàn người tử vong mỗi năm vì những nguyên nhân này.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiếp xúc lâu dài với bụi mịn và các chất ô nhiễm trong không khí có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Ngoài tác động đến hệ hô hấp, ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tim mạch, làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim...
Ô nhiễm không khí không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, mà còn có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm lý. Những người sống trong các khu vực ô nhiễm nặng thường xuyên cảm thấy căng thẳng, lo âu, và trầm cảm do tác động của môi trường sống xung quanh.
Một mối nguy hại ít được chú ý, nhưng rất nghiêm trọng là tác động của ô nhiễm không khí đến hệ thần kinh. Các chất ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn và khí độc, có thể xâm nhập vào não thông qua máu, gây viêm và làm tổn thương các tế bào thần kinh. Điều này có thể góp phần làm tăng các bệnh lý thần kinh như Alzheimer, Parkinson, trầm cảm.
Trẻ em sống trong môi trường ô nhiễm không khí có thể gặp phải sự giảm sút khả năng nhận thức, ảnh hưởng đến việc học tập và phát triển trí tuệ. Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn học tập và giảm khả năng phát triển ngôn ngữ.
Ô nhiễm không khí còn làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, béo phì...
Phụ nữ mang thai nếu sống trong môi trường ô nhiễm có thể tăng nguy cơ sinh non hoặc sinh con với cân nặng thấp. Các chất ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và làm giảm lượng oxy cung cấp cho em bé. Trẻ em sinh ra trong môi trường ô nhiễm có thể gặp phải các vấn đề về phát triển thể chất và trí tuệ.
Bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm không khí
Trước tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí qua các trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố, nhằm thực hiện các biện pháp dự phòng và bảo vệ sức khỏe phù hợp.
Khi chỉ số chất lượng không khí ở mức trung bình (AQI 51-100), người bình thường có thể tham gia các hoạt động ngoài trời, nhưng những người nhạy cảm nên giảm hoạt động ngoài trời và tránh các hoạt động gắng sức.
Khi AQI ở mức kém (101-150), người bình thường nên giảm hoạt động ngoài trời, đặc biệt là khi có triệu chứng như đau mắt, ho, đau họng; hạn chế tham gia hoạt động tại các khu vực ô nhiễm. Người nhạy cảm nên hạn chế hoạt động ngoài trời và chuyển sang các hoạt động nhẹ nhàng trong nhà. Nếu ho, tức ngực hay thở khò khè, nên giảm hoặc ngừng vận động.
Khi chỉ số AQI đạt mức xấu (151-200), người bình thường nên hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động thể chất mạnh, chọn thời điểm ít ô nhiễm trong ngày để ra ngoài. Nếu phải tham gia giao thông, nên ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng thay vì xe máy hay xe đạp. Người dân nên hạn chế mở cửa sổ trong những thời điểm không khí ô nhiễm nặng. Những người nhạy cảm cần tránh các hoạt động ngoài trời và thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng trong nhà.
Khi AQI ở mức rất xấu (201-300), người bình thường nên tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài và chuyển sang các hoạt động trong nhà. Nếu phải đi ra ngoài, hãy sử dụng khẩu trang chống bụi mịn. Người nhạy cảm cần tránh hoàn toàn các hoạt động ngoài trời và chỉ tham gia các hoạt động trong nhà. Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài, hãy giảm tối đa thời gian tiếp xúc với không khí ô nhiễm và sử dụng khẩu trang bảo vệ.
Khi AQI đạt mức nguy hại (301-500), cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chất lượng không khí cải thiện.
Nói chung, trong bối cảnh không khí bị ô nhiễm, người dân cần đeo khẩu trang chất lượng cao (N95, KF94) khi ra ngoài, đặc biệt trong những ngày ô nhiễm cao, để bảo vệ hệ hô hấp; vệ sinh nhà cửa thường xuyên để giảm thiểu bụi bẩn.
Nên hạn chế sử dụng bếp than tổ ong, củi hay đốt rơm rạ, thay vào đó hãy sử dụng bếp điện, bếp từ hoặc bếp gas để giảm thiểu ô nhiễm. Trồng cây xanh quanh nhà cũng giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Đối với người hút thuốc lá hoặc thuốc lào, nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút và không hút trong nhà. Người không hút thuốc nên tránh xa khói thuốc.
Người dân cần thường xuyên theo dõi sức khỏe và thực hiện khám sức khỏe định kỳ. Những người nhạy cảm với ô nhiễm không khí, như trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi, nên tránh tiếp xúc với các nguồn phát thải ô nhiễm từ phương tiện giao thông, công trình xây dựng, khu vực đun nấu bằng than củi hoặc các khu vực ô nhiễm khác.
Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng như sốt, viêm mũi họng, viêm phổi, phế quản, huyết áp hay tim mạch…, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bao-ve-suc-khoe-khi-o-nhiem-khong-khi-keo-dai-d240363.html