Những loại thuốc có thể gây ợ nóng và cách phòng ngừa

Ợ nóng khiến người mắc có biểu hiện nóng rát vùng ngực, khó chịu. Một số loại thuốc có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng này...

Các thuốc có thể góp phần gây ra chứng ợ nóng khi:

- Gây viêm lớp niêm mạc bảo vệ thực quản và có thể gây ra chứng ợ nóng.

- Làm suy yếu cơ thắt thực quản dưới (LES), khiến axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra chứng trào ngược axit và ợ nóng.

1. Một số loại thuốc có thể gây ợ nóng

- Thuốc kháng sinh có thể gây ợ nóng

Thuốc kháng sinh là một trong những loại thuốc phổ biến nhất có thể gây viêm thực quản. Các triệu chứng của viêm thực quản bao gồm ợ nóng, đau sau xương ức và đau hoặc khó nuốt. Các thuốc bao gồm: Tetracycline, (đặc biệt là doxycycline), clindamycin, amoxicilin, metronidazol, ciprofloxacin, rifaximin…

Ợ nóng là cảm giác khó chịu, nóng rát ở ngực xảy ra do trào ngược axit.

Ợ nóng là cảm giác khó chịu, nóng rát ở ngực xảy ra do trào ngược axit.

Thuốc chống viêm không steroid

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen (motrin và advil)… Các thuốc này có thể gây viêm thực quản do tác dụng kích thích trực tiếp lên biểu mô thực quản và cũng có thể làm giảm nhu động của cơ thắt thực quản dưới và dạ dày, dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản và khó tiêu.

Các NSAID này có thể làm trầm trọng thêm hoặc kích hoạt bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), tăng tình trạng ợ nóng.

Thuốc huyết áp

Thuốc chẹn kênh canxi và thuốc chẹn beta điều trị tăng huyết áp có thể làm giãn cơ thắt thực quản dưới (LES) khiến axit dạ dày trào ngược lên thực quản.

Thuốc bisphosphonates

Thuốc bisphosphonates như alendronate (fosamax), ibandronate (boniva), risedronate (actonel)… được dùng để điều trị loãng xương. Uống bisphosphonates có thể gây ợ nóng và kích ứng thực quản. Ngoài ra, thuốc còn gây: Buồn nôn, khó nuốt, loét dạ dày...

Thực phẩm bổ sung sắt

Uống viên bổ sung sắt có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản và dẫn đến trào ngược axit. Tác dụng phụ gây ợ nóng của thực phẩm bổ sung này cũng khác nhau tùy theo từng người và phụ thuộc vào liều lượng, tần suất sử dụng và tương tác với các loại thuốc hiện tại.

Nhiều loại thuốc có thể gây chứng ợ nóng.

Nhiều loại thuốc có thể gây chứng ợ nóng.

Thuốc trị hen suyễn

Theophylline là thuốc uống giúp làm giảm các triệu chứng hen suyễn và khó thở, nhưng có thể làm suy yếu cơ LES, khiến axit dạ dày trào ngược lên thực quản, khiến chứng ợ nóng trở nên nghiêm trọng hơn.

Các loại thuốc điều trị hen suyễn khác, bao gồm thuốc chủ vận beta và corticosteroid, cũng có thể gây trào ngược axit.

Thuốc an thần và trầm cảm

Benzodiazepin là một loại thuốc có tác dụng như thuốc an thần và được dùng để điều trị an thần, rối loạn lo âu.

Thuốc benzodiazepin, đặc biệt là diazepam, có thể gây ợ nóng do làm giảm áp lực cơ LES, khiến cơ này giãn ra, gây trào ngược. Bên cạnh đó, sau khi uống thuốc nếu nằm xuống có thể làm trầm trọng thêm chứng trào ngược axit.

Ngoài ra, một số thuốc chống trầm cảm ba vòng như imipramine hoặc amitriptyline có thể gây ợ nóng bằng cách làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày.

2. Làm thế nào để ứng phó với chứng ợ nóng do thuốc?

- Đổi thuốc: Bác sĩ có thể thay đổi loại thuốc, dạng thuốc để khắc phục tình trạng này, hoặc dùng thêm thuốc kháng axit hoặc thuốc ức chế bơm proton (PPI) chống tiết axit dạ dày.

- Ngừng dùng thuốc: Nếu thuốc là nguyên nhân duy nhất gây ra chứng ợ nóng, tốt nhất là ngừng dùng thuốc. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, người bệnh không tự ý ngừng thuốc điều trị.

- Uống nhiều nước khi dùng thuốc cũng giúp giảm ợ nóng do thuốc.

- Cần tránh một số thực phẩm và đồ uống có thể gây ra chứng ợ nóng: Rượu bia, đồ uống có ga, trái cây họ cam quýt và nước ép, caffeine, các sản phẩm từ sữa nguyên chất, thức ăn cay, béo hoặc chiên...

- Đến cơ sở y tế ngay khi có các triệu chứng: Khó nuốt thức ăn, ợ nóng thường xuyên hoặc dai dẳng, ho dai dẳng/thở khò khè, giảm cân không chủ ý, các triệu chứng nặng hơn sau khi sử dụng các phương pháp điều trị chứng ợ nóng, ợ nóng kèm theo phân có máu, nôn ra máu hoặc cảm giác nóng rát, thắt chặt ở ngực.

DS. Hoàng Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-loai-thuoc-co-the-gay-o-nong-va-cach-phong-ngua-169250115102455232.htm