Bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu COVID-19
Để cung cấp thêm kiến thức khoa học về bảo vệ sức khỏe sau khi mắc bệnh COVID-19 giúp người dân không nên chủ quan hoặc nghiêm trọng hóa quá mức ảnh hưởng hậu COVID-19 đối với sức khỏe, phóng viên (PV) Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn chuyên gia Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học - Bác sĩ (GS-TSKH-BS) Dương Quý Sỹ - Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng xung quanh vấn đề này.
• PV: Thưa GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ, xin ông cho biết về các bệnh lý thường hay gặp phải sau khi mắc bệnh COVID-19?
• GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ: Các bệnh lý và triệu chứng thường gặp phải sau khi mắc COVID-19 rất đa dạng và khác nhau ở từng người bệnh và tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và triệu chứng lúc bị nhiễm COVID-19 ở giai đoạn cấp tính (dưới 4 tuần), mức độ nặng của bệnh COVID-19 ban đầu, sự tổn thương của các cơ quan trong cơ thể ở giai đoạn cấp tính, chế độ điều trị ban đầu. Một số ít trường hợp người bị nhiễm COVID-19 vẫn có thể xuất hiện các triệu chứng mới ở giai đoạn COVID-19 kéo dài (từ 4-12 tuần) hoặc hậu COVID-19 (sau 12 tuần). Có hơn 50 triệu chứng khác nhau do tổn thương bệnh lý ở các hệ cơ quan khác khau trong cơ thể ở bệnh nhân COVID-19 kéo dài và hậu COVID-19. Các triệu chứng này bao gồm: Mệt mỏi, đau đầu, rối loạn về sự tập trung, rụng tóc, khó thở, mất vị giác, mất mùi, thở nhanh, ho khan, đau khớp, đổ mồ hôi đêm, đau tức ngực, buồn nôn, giảm trí nhớ, ù tai hoặc giảm thính lực, sốt nhẹ, đau khớp, đỏ mắt...
Một số bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng bệnh lý ở hệ thần kinh trung ương, hệ tiêu hóa, bệnh lý da, tim mạch và hô hấp như: Lo lắng, trầm cảm, rối loạn tâm thần kinh do sang chấn tâm lý sau bệnh tật, rối loạn giấc ngủ, ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ, rối loạn tiêu hóa, sụt cân, tổn thương da (dạng mề đay, sẩn đỏ, phát ban), nhịp tim nhanh, hồi hộp đánh trống ngực, xơ hóa phổi. Một số trường hợp bệnh nhân COVID-19 kéo dài và hậu COVID-19 có những triệu chứng ít gặp hơn như: Tiểu đường, chóng mặt, đột quỵ, phù chân, nói khó, thay đổi tính khí, tăng huyết áp, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy thận, hoang tưởng...
• PV: Thưa ông, khi nào thì người dân nên đi kiểm tra sức khỏe hậu COVID-19?
• GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ: Vì chỉ có một số ít người bị nhiễm COVID-19 có triệu chứng và di chứng kéo dài ở giai đoạn hậu COVID-19, nên người dân chỉ đi kiểm tra sức khỏe khi có các dấu hiệu thường gặp của hậu COVID-19 như đã nêu trên. Khi có triệu chứng kéo dài ở giai đoạn hậu COVID-19, người dân có thể đến khám tại các cơ sở y tế tại địa phương để được tư vấn và hướng dẫn điều trị và tập phục hồi chức năng nếu cần. Trong một số rất ít trường hợp người bị COVID-19 kéo dài và hậu COVID-19 có những bệnh lý chuyên khoa như: Đau đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ, mất mùi và mất vị, ù tai và hoa mắt hay chóng mặt... thì cần khám chuyên khoa thần kinh, y học giấc ngủ hoặc tai, mũi, họng.
Do vậy, để kiểm tra sức khỏe hậu COVID-19 khi có triệu chứng kéo dài, người dân có thể đi khám lần đầu trong vòng một đến ba tháng đầu và sau đó là từ 3 đến 6 tháng. Ở giai đoạn hậu COVID-19, nếu không có vấn đề gì bất thường về sức khỏe và không có triệu chứng thì người dân cũng không nên lo lắng quá mức và cũng không bắt buộc phải đi kiểm tra sức khỏe. Cán bộ y tế tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 để tư vấn và hỗ trợ cho người dân.
• PV: Vấn đề phục hồi chức năng đối với người bệnh sau khi mắc COVID-19 như thế nào thưa GS?
• GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ: Phục hồi chức năng đối với người bệnh sau khi mắc COVID-19 là rất cần thiết cho những người có triệu chứng của nhiễm COVID-19 giai đoạn cấp tính và ở giai đoạn hậu COVID-19. Phục hồi chức năng cho người bị nhiễm COVID-19 bao gồm phục hồi chức năng hô hấp và vận động theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ở giai đoạn nhiễm COVID-19 cấp tính, phục hồi chức năng hô hấp giúp cải thiện tình trạng trao đổi khí và tăng cường cung cấp oxy cho các cơ quan trong cơ thể thông qua các bài tập thở chủ động chậm và sâu giúp căng giãn lồng ngực và làm tăng thể tích phổi. Tập thở có thể phối hợp với sử dụng dụng cụ như ống thổi có khắc số đo thể tích thở ra, thổi vào bóng chứa khí, thở qua lưu lượng đỉnh kế. Những trường hợp người bệnh có ho khạc đàm nhiều, đặc biệt là người lớn tuổi thì cần hỗ trợ kỹ thuật tập ho chủ động nhằm tăng tống xuất đàm ra ngoài và bảo đảm thông thoáng đường thở. Cần lưu ý tập thở và tập ho ở giai đoạn nhiễm COVID-19 cấp tính cần phải đeo khẩu trang để tránh tình trạng phát tán mầm bệnh trong không khí gây lây nhiễm thông qua những giọt bắn của đường hô hấp.
Ngoài ra, sau khi bị nhiễm COVID-19 cần phải thường xuyên tập phục hồi khả năng vận động thông qua các bài tập cơ chi trên với tạ tay hoặc dây kéo, tập cơ chi dưới với các bài tập lên xuống cầu thang, đạp xe, đi bộ nhanh như con thoi quanh phòng hay sân nhà. Người lớn tuổi có thể thực hiện việc tập thở bụng hay thở cơ hoành ở tư thế nằm hay ngồi và thực hiện các bài tập vận động thông thường như tập thể dục theo các bài tập dưỡng sinh, y võ dưỡng sinh (bát đoạn cẩm). Tập vận động sớm sau khi bị nhiễm COVID-19 giúp làm tăng tuần hoàn máu trong tĩnh mạch ngoại vi và do vậy giúp ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông ở các tĩnh mạch sâu. Đặc biệt, việc tập thở và tập phục hồi vận động sau nhiễm COVID-19 giúp ngăn chặn sự suy giảm thể chất và tinh thần, rối loạn giấc ngủ sau khi nhiễm bệnh và ở giai đoạn hậu COVID-19. Cần tiếp tục duy trì việc tập thở và tập vận động ở giai đoạn hậu COVID-19, nhất là ở những người có tình trạng mệt mỏi kéo dài, thở nhanh và khó thở do nguyên nhân tâm lý, rối loạn giấc ngủ, đau nhức xương khớp.
• PV: Xin ông cho biết về hoạt động tư vấn, giáo dục sức khỏe, trị liệu tâm lý cho bệnh nhân hậu COVID-19?
• GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ: Hoạt động tư vấn, giáo dục sức khỏe, trị liệu tâm lý cho bệnh nhân hậu COVID-19 là rất cần thiết cho cộng đồng. Hiện nay với hơn 10 triệu người bị nhiễm COVID-19 trên toàn quốc và hơn 2 triệu người đã chuyển sang giai đoạn hậu COVID-19 (sau nhiễm COVID-19 hơn 3 tháng) và hơn 5 triệu người đang ở vào giai đoạn COVID-19 kéo dài (sau nhiễm COVID-19 từ 1 tháng đến dưới 3 tháng) việc tư vấn và giáo dục sức khỏe là rất cần thiết. Đây cũng là nhiệm vụ của mỗi cán bộ y tế nhằm giúp người bị nhiễm COVID-19 ở giai đoạn hậu COVID-19 không quá lo lắng và hoang mang về các triệu chứng và di chứng vì chỉ có một tỷ lệ nhỏ người bị COVID-19 có triệu chứng kéo dài đến giai đoạn hậu COVID-19. Cần tư vấn và giáo dục sức khỏe cho người bệnh hậu COVID-19 về duy trì một sức khỏe tốt thông qua việc thực hiện chế độ dinh dưỡng giàu khoáng chất và vitamin, tăng cường rèn luyện thân thể, tập thở và tập vận động, tránh căng thẳng quá mức, duy trì chế độ nghỉ ngơi hợp lý và luôn ngủ đủ giấc.
Một số ít trường hợp bị rối loạn tâm thần kinh như trầm cảm, lo âu, căng thẳng quá mức, hội chứng sang chấn tâm lý sau nhiễm COVID-19 nặng, hoặc hoang tưởng thì cần phải thực hiện tâm lý liệu pháp. Đây là phương pháp ưu tiên được chọn lựa hàng đầu và tránh lạm dụng thuốc, trừ những trường hợp rối loạn tâm thần kinh nặng đe dọa đến sức khỏe người bệnh. Hiện nay, hầu như các trường hợp nhiễm COVID-19 đều có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng vì trẻ trên 12 tuổi và người trưởng thành đều đã được tiêm vắc xin theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc tư vấn, giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân hậu COVID-19 có triệu chứng hoặc người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng ở giai đoạn hậu COVID-19 vẫn luôn là rất cần thiết góp phần cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
• PV: Cảm ơn GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ!
DIỆU HIỀN (Thực hiện)