Bảo vệ sức khỏe Nhân dân, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội bình thường ở mức độ tối đa có thể

Ngày 12.10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ Tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Nhiều tín hiệu tích cực về sự hồi phục mạnh mẽ

Trong Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 trình tại Phiên họp, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với nhiều nội dung theo Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Ảnh : Hồ Long

Ảnh : Hồ Long

Về các chỉ tiêu chủ yếu, bên cạnh đặt mục tiêu cao để phấn đấu cần cân nhắc tính khả thi khi thực hiện (chỉ tiêu GDP tăng 6-6,5%), Ủy ban Kinh tế đề nghị cần giải trình rõ ràng, thuyết phục hơn về tỷ lệ bội chi, cân đối xuất, nhập khẩu...

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Ủy ban Kinh tế đề nghị tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội bình thường ở mức độ tối đa có thể. Xây dựng Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vaccine, sớm đạt miễn dịch cộng đồng; phát triển, nâng cao năng lực hệ thống y tế; xây dựng và triển khai có hiệu quả Chương trình nghiên cứu vaccine; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực huy động từ xã hội ủng hộ cho phòng, chống dịch; công khai, minh bạch về tình hình dịch bệnh; nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19.

Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã được ban hành; kịp thời ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chính sách, bảo đảm tương xứng, điều kiện, tiêu chuẩn khả thi, quy trình, thủ tục được đơn giản hóa tối đa, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; cân đối và phân bổ nguồn lực hiệu quả, tiết kiệm; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra. Tăng cường hỗ trợ, trợ giúp xã hội, nhất là với nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương.

Đối với doanh nghiệp, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm, giãn, hoãn thuế, hỗ trợ hiệu quả hơn về cơ cấu lại nợ vay và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay sâu hơn; xem xét áp dụng nới lỏng thời gian giới hạn về chuyển lỗ để giảm bớt khó khăn, hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp.

Có lộ trình phù hợp mở cửa trở lại nền kinh tế, xây dựng điều kiện và quy định cụ thể việc mở cửa cho từng địa bàn, lĩnh vực với đối tượng cá nhân và tổ chức kinh tế, tùy thuộc vào độ bao phủ vaccine, khả năng ứng phó, kiểm soát dịch bệnh, theo tinh thần phải đáp ứng yêu cầu an toàn lên hàng đầu, tuyệt đối không chủ quan, nóng vội. Xây dựng phương án mở cửa đón khách du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát.

Kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, cân bằng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Nghiên cứu, đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng tỷ lệ nợ công phù hợp nhưng phải bảo đảm hiệu quả, bền vững, bội chi không quá 4% GDP. Theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước...

P.Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-ve-suc-khoe-nhan-dan-duy-tri-hoat-dong-kinh-te---xa-hoi-binh-thuong-o-muc-do-toi-da-co-the-3bwnnaaehd-64521