Kinh tế Mỹ và châu Âu có nguy cơ chệch hướng

Không gây tổn thương, chỉ mang lại tích cực. Đó là thông điệp đầy bất ngờ từ thị trường lao động tại Mỹ và châu Âu trong hai năm qua.

Mặc dù lãi suất tăng mạnh, tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp. Điều này đã giúp các ngân hàng trung ương ở hai bờ Đại Tây Dương tin tưởng rằng họ có thể đạt được cú "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế, tức là kiểm soát lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế lớn.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Vấn đề hiện tại của các ngân hàng trung ương này là sức mạnh bất ngờ của thị trường lao động đang có dấu hiệu suy yếu. Khi điều đó xảy ra, các cuộc suy thoái kinh tế thường sẽ theo sau.

*Sự phục hồi trong ngỡ ngàng

Nhà kinh tế học người Anh William Henry Beveridge từng nói rằng: "Thất nghiệp giống như một cơn đau đầu hoặc sốt cao- khó chịu và mệt mỏi nhưng không giải thích được nguyên nhân của nó". Định nghĩa nổi tiếng của ông Beveridge về thất nghiệp dường như đã bị đảo lộn. Thị trường lao động tại hầu hết các nền kinh tế phương Tây đã phục hồi mạnh mẽ kể từ khi đại dịch COVID-19 kết thúc, khiến các ngân hàng trung ương và Phố Wall ngỡ ngàng.

Thực tế là, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất để đối phó với lạm phát cao do những gián đoạn kinh tế từ đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine. Lãi suất vay mượn cao thường làm giảm nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ, giảm doanh thu của các công ty và buộc họ phải cắt giảm chi phí bằng cách sa thải lao động. Những người thất nghiệp thắt chặt chi tiêu, làm giảm doanh thu của các công ty và làm suy yếu tăng trưởng kinh tế. Chu kỳ tiêu cực này thường chỉ kết thúc khi lãi suất giảm trở lại.

Tuy nhiên, lần này lại khác. Fed bắt đầu tăng lãi suất vào đầu năm 2022 và đã nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 23 năm. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn duy trì dưới 4% trong suốt thời gian này – thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5,7% kể từ năm 1948. Ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lãi suất cho vay chạm mức cao kỷ lục 4% vào tháng 9/2023, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp nhất mọi thời đại, khoảng 6,4%, trong suốt 18 tháng qua.

Trong khi đó, cả Mỹ và Eurozone đều phục hồi mạnh mẽ sau các cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng trưởng với tốc độ ấn tượng 3% trong quý II/2024. Kinh tế Eurozone trải qua một giai đoạn suy thoái ngắn vào năm 2022 nhưng vào quý II/2024 đã phục hồi với mức tăng trưởng 0,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Sự lý giải thuyết phục nhất cho tình trạng này là các công ty hạn chế sa thải nhân viên ngay cả khi không có đủ việc để họ làm. Vào tháng 3/2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, các công ty Mỹ đã sa thải hơn 13 triệu lao động. Một năm sau, con số này giảm xuống còn khoảng 1,4 triệu và duy trì ở mức này kể từ đó.

Theo khảo sát của Business Roundtable, gần 50% số Giám đốc điều hành (CEO) của Mỹ dự kiến sẽ giữ ổn định lực lượng lao động. Ở châu Âu, tỷ lệ các công ty kỳ vọng sản lượng giảm nhưng việc làm vẫn ổn định, đạt mức 31% trong thời kỳ đại dịch.

*Rủi ro rình rập

Thách thức không nhỏ đối với Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Ảnh: TTXVN phát

Thách thức không nhỏ đối với Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Ảnh: TTXVN phát

Tuy nhiên, tín hiệu cảnh báo lớn nhất đã đến từ Mỹ, nơi một chỉ báo suy thoái không thể sai lệch đã được kích hoạt. Quy tắc này, được đặt tên theo nhà kinh tế học của Fed, Claudia Sahm, chỉ ra rằng khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình dao động trong ba tháng tăng ít nhất 0,5 điểm phần trăm so với mức thấp nhất trong 12 tháng trước, sản lượng kinh tế của Mỹ sẽ bị thu hẹp.

Quy tắc Sahm, dự đoán chính xác mọi cuộc suy thoái ở Mỹ kể từ năm 1970, đã được kích hoạt vào tháng 7/2024, khi tỷ lệ thất nghiệp nước này đạt 4,3%.

Nếu những người mới đến tìm được việc làm, tỷ lệ thất nghiệp có thể ổn định ở mức thấp. Fed cũng đang chuẩn bị giảm lãi suất tại cuộc họp tuần này, trong khi ECB đã hạ lãi suất trước đó.

Tuy nhiên, rủi ro đang gia tăng là có thật, đặc biệt là nếu một đợt gia tăng tỷ lệ thất nghiệp kéo dài có thể tạo ra vòng luẩn quẩn tiêu cực. Tại Mỹ, số lượng việc làm trống đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.

Ông Bill Dudley, cựu Chủ tịch chi nhánh Fed tại New York, nói với các nhà phân tích của Goldman Sachs rằng, một khi quy tắc Sahm được kích hoạt, tỷ lệ thất nghiệp có thể nhanh chóng tăng thêm 1,9 điểm phần trăm. Điều đó sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên trên 6% - mức chưa từng thấy kể từ năm 2021.

Theo một nghiên cứu của chi nhánh Fed tại San Francisco, trong 75 năm qua, mỗi khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng 1 điểm phần trăm, GDP trung bình giảm 1,5 điểm phần trăm. Một đợt tăng tỷ lệ thất nghiệp như dự đoán của ông Dudley sẽ khiến nền kinh tế Mỹ đi chệch hướng, vì hiện tại GDP nước này đang tăng trưởng 2,5%/năm.

Tác động của sự gia tăng thất nghiệp đối với tăng trưởng kinh tế dường như ít nghiêm trọng hơn ở châu Âu, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu ớt của khu vực này có nghĩa là ngay cả một sự suy giảm nhẹ cũng có thể đẩy khu vực vào suy thoái.

Các ngân hàng trung ương có thể vẫn có thể tạo ra cú "hạ cánh mềm" bằng cách cắt giảm lãi suất. Nhưng nếu hành động của họ mất quá nhiều thời gian để có hiệu quả, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao có thể gây ra rắc rối cho cả Mỹ và châu Âu.

Minh Trang (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-my-va-chau-au-co-nguy-co-chech-huong/347509.html