Bảo vệ 'thành trì cuối cùng'
Vòng đàm phán mới về vấn đề khai thác khoáng sản ở biển sâu đang diễn ra tại TP Kingston, Jamaica, trong bối cảnh các nhà bảo tồn đang đẩy mạnh những nỗ lực nhằm kiềm chế ngành công nghiệp non trẻ đang thiếu một số biện pháp quản lý hiệu quả.
Trong khi các công ty khai khoáng cho rằng, đáy đại dương là nguồn cung cấp tài nguyên dồi dào, những nhà bảo vệ môi trường lại cảnh báo việc khai thác ồ ạt sẽ hủy diệt “thành trì cuối cùng” về môi trường của nhân loại. Trước tình hình này, Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế (ISA) thuộc Liên hợp quốc - đơn vị chủ trì các vòng đàm phán về khai khoáng dưới đáy đại dương, hy vọng các nước thành viên sẽ nhất trí về bộ quy tắc trong lĩnh vực này. Liên minh Bảo tồn Biển sâu (DSCC) cho biết vòng đàm phán mới này sẽ kéo dài đến ngày 21-7.
Được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, ISA - có trụ sở tại Jamaica, chịu trách nhiệm bảo vệ các đáy biển, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản; cấp giấy phép thăm dò tại những khu vực được UNCLOS coi là di sản chung của nhân loại. Cơ quan này và các quốc gia thành viên đã đàm phán suốt 10 năm qua về một bộ quy tắc chung cho việc khai khoáng dưới đáy đại dương, trong đó thiết lập các quy định về khả năng khai thác niken, coban và đồng ở các khu vực đáy biển sâu thuộc vùng biển quốc tế.
Nauru - một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, vào năm 2021 đã thúc đẩy các cuộc đàm phán kéo dài nhiều thập niên về bộ quy tắc chung về khai khoáng dưới đáy đại dương, với việc kích hoạt một điều khoản yêu cầu các bên liên quan phải đạt được nhất trí trong vòng 2 năm. Nếu không thể thông qua bộ quy tắc chung trong thời hạn này, các nước sẽ được phép đăng ký với ISA để tiếp tục khai khoáng.
Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ cũng hối thúc Hội đồng ISA đưa ra các quyết định rõ ràng hơn, do lo ngại các công ty khai khoáng có thể tận dụng khoảng trống pháp lý trong các thỏa thuận hiện nay. Theo chuyên gia Louisa Casson của tổ chức Hòa bình Xanh, sức khỏe đại dương có liên quan mật thiết đến sự sống còn của con người. Nếu không can thiệp sớm, việc khai thác sẽ gây ra hậu quả tàn khốc cho sinh vật biển và làm rối loạn hệ sinh thái toàn cầu.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-ve-thanh-tri-cuoi-cung-post697207.html