Bảo vệ tính mạng, sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông

Từ 15-5 đến 14-6, lực lượng CSGT toàn quốc ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Qua 15 ngày đầu thực hiện, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm sâu cả 3 tiêu chí so với trước đó.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về hoạt động của lực lượng CSGT trong đợt cao điểm này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an.

Phóng viên: Thưa đồng chí Cục trưởng Cục CSGT, đồng chí cho biết kết quả sau 15 ngày thực hiện tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ toàn quốc, lực lượng CSGT có gặp phải khó khăn, vướng mắc gì không?

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng: Sau 15 ngày đầu ra quân thực hiện tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, lập biên bản xử lý 196.801 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), tước giấy phép lái xe 13.310 trường hợp, tạm giữ 30.821 phương tiện. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Vi phạm quy định về tốc độ 15.873 trường hợp; vi phạm về phần đường, làn đường 4.326 trường hợp; không có giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe, giấy phép lái xe, đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, tẩy xóa 25.182 trường hợp; không đội mũ bảo hiểm 34.705 trường hợp; lạng lách, đánh võng, điều khiển xe chạy bằng một bánh 273 trường hợp. Đáng chú ý, lực lượng CSGT đã phát hiện xử lý 9.982 lái xe vi phạm về nồng độ cồn và 143 lái xe dương tính với ma túy.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT.

Tình hình TTATGT chuyển biến rất tích cực, trong 15 ngày toàn quốc xảy ra 425 vụ TNGT đường bộ, làm chết 186 người, bị thương 305 người. So với cùng thời gian liền kề trước, TNGT giảm 170 vụ (-28,57%), giảm 141 người chết (-43,12%), giảm 97 người bị thương (-24,13%).

Qua theo dõi chúng tôi thấy ý thức của người tham gia giao thông đã chuyển biến tích cực và tự giác chấp hành pháp luật tốt hơn. Người dân cũng đồng tình, ủng hộ lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc ngăn chặn những hành vi vi phạm nguy hiểm có nguy cơ dẫn tới TNGT như: Vi phạm nồng độ cồn, ma túy, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm...

Phóng viên: Một số ý kiến người dân cho rằng, việc bị dừng lại kiểm tra dù họ không vi phạm quy định giao thông và mang đủ giấy tờ, gây mất thời gian, làm lỡ công việc của họ. Đồng chí cho biết, có tình trạng CSGT cho dừng nhiều phương tiện một lúc, khiến người dân phải chờ đợi đến lượt mất thời gian hay không? Những biện pháp nào được triển khai để vừa tạo thuận lợi cho lực lượng CSGT làm việc cũng như không ảnh hưởng quá nhiều đến quá trình tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện?

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng: Có thể nói, đợt tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ lần này cũng để cho người tham gia giao thông tự giác chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, cũng như các điều kiện để tham gia giao thông an toàn.

Trong thực tế, lực lượng CSGT đang sử dụng nhiều phương pháp nghiệp vụ để phát hiện và xử lý vi phạm như: Thông qua hệ thống giám sát, các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (máy đo tốc độ...) hoặc trực tiếp phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, một số hành vi vi phạm chỉ được phát hiện khi dừng phương tiện để kiểm tra như: Vi phạm về nồng độ cồn; ma túy; giấy phép lái xe, biển số xe và đăng ký xe giả...

Đối với hoạt động kiểm soát phương tiện, lực lượng CSGT cũng tiến hành hết sức nhanh chóng, đúng quy trình công tác, không để việc kiểm soát làm ách tắc, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông bình thường trên đường. Đồng thời phải đảm bảo an toàn cho người được kiểm tra, người tham gia giao thông và chính lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ.

Đơn cử như việc kiểm soát nồng độ cồn của lái xe, lực lượng CSGT hướng dẫn lái xe điều kiển xe vào lề đường hoặc làn riêng để kiểm tra cồn. Nếu không vi phạm, người lái xe không phải xuống phương tiện. Khi có kết quả, CSGT nói lời cảm ơn về sự hợp tác và người lái xe tiếp tục di chuyển. Quá trình kiểm tra không quá 2 phút. Đối với những trường hợp có biểu hiện nghi vấn, bất bình thường, lực lượng CSGT mới kiểm soát giấy tờ. Đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận được trường hợp nào không vi phạm mà phản đối, việc không hợp tác, không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra của CSGT (đo nồng độ cồn, thử nhanh ma túy). Việc chờ đợi, mất thời gian thường xuất phát từ những người vi phạm vì lực lượng CSGT phải xử lý, lập biên bản vi phạm hành chính đối với họ.

Qua thực hiện tổng kiểm soát, lực lượng CSGT chỉ kiểm soát gần 10% tổng số phương tiện cơ giới đường bộ, tức là hơn 10 xe lưu thông trên đường, thì lực lượng CSGT kiểm soát 1 xe. Như vậy là chúng tôi không dừng xe tràn lan. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác, CSGT kiểm tra, xử lý có trọng tâm, trọng điểm đúng với đối tượng kiểm soát.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, việc dừng các phương tiện cơ giới được thực hiện một cách ngẫu nhiên hay có dựa trên căn cứ nào không?

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng: Mục đích cao nhất của đợt tổng kiểm soát này là bảo vệ tính mạng, sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, hạn chế thấp nhất TNGT và ùn tắc giao thông. Vì vậy, thông qua các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình, lực lượng CSGT lựa chọn những vị trí kiểm soát phương tiện đảm bảo thỏa mãn các yêu cầu về thời gian, đối tượng để kiểm tra, xử lý có hiệu quả nhất những vi phạm như vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, lạng lách... mà nếu như không dừng kiểm tra, ngăn chặn kịp thời, thì có thể sẽ xảy ra các vụ TNGT thảm khốc.

Phóng viên: Nhiều người dân ủng hộ việc tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ nhưng vẫn có không ít người tỏ ra băn khoăn về việc liệu có xảy ra tiêu cực, thiếu minh bạch, lạm quyền khi CSGT thực hiện nhiệm vụ? Cục CSGT đã triển khai những biện pháp nào để tránh tình trạng trên, thưa đồng chí?

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng: Thời gian qua, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương Đảng, nhất là Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Bộ Công an đã có những quy định hết sức chặt chẽ về quy trình công tác và quản lý cán bộ của lực lượng CSGT. Gần đây, Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm TTATGT, trong đó quy định rất cụ thể về hoạt động giám sát của người dân với lực lượng CAND trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT. Người dân có quyền giám sát trong khuôn khổ quy định của pháp luật, được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của CBCS đang thực thi nhiệm vụ.

Kế hoạch tổng kiểm soát lần này đã được công khai thông tin rộng rãi để nhân dân biết và thực hiện quyền giám sát của mình. Trong kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ phải sử dụng camera (gắn trên xe ôtô, cầm tay và đeo trên người) đã được trang cấp để ghi lại toàn bộ hoạt động trong ca công tác, ghi nhận các hành vi vi phạm, hành vi chống người thi hành công vụ, đua xe trái phép và các loại tội phạm khác làm căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cũng giúp các cấp lãnh đạo, chỉ huy kiểm tra, đôn đốc, giám sát được hoạt động của CBCS dưới quyền một cách kịp thời.

Lực lượng CSGT kiểm tra việc sử dụng ma túy đối với lái xe.

Lực lượng CSGT kiểm tra việc sử dụng ma túy đối với lái xe.

Cục CSGT đã yêu cầu quá trình thực hiện nhiệm vụ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CSGT phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm điều lệnh CAND và quy trình công tác, ứng xử có văn hóa khi tiếp xúc, làm việc với nhân dân.

Vì thế chúng tôi tin tưởng rằng với ý thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ chiến sĩ, với những quy định và yêu cầu chặt chẽ trong quá trình công tác, với sự giám sát của nhân dân, cùng sự kiểm tra của chỉ huy các cấp, lực lượng CSGT sẽ đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đúng quy định.

Chúng tôi luôn luôn mong muốn người dân khi tham gia giao thông cần chấp hành tốt các quy định của pháp luật, ứng xử văn hóa, văn minh. Đặc biệt là không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác, tiếp tục ủng hộ lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ, góp phần bảo đảm TTATGT.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Cục CSGT có kế hoạch, biện pháp như thế nào để bảo đảm TTATGT sau thời gian thực hiện tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ?

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng: Việc bảo đảm TTATGT, xử lý vi phạm về TTATGT là việc làm thường xuyên, liên tục, hàng ngày, hàng giờ của lực lượng CSGT, theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Công an giao. Việc thực hiện tổng kiểm soát phương tiện cũng nhằm để lập lại trật tự an toàn giao thông sau thời gian giãn cách xã hội, khi mọi người đều có xu hướng “thả lỏng” khiến tình hình có những diễn biến phức tạp. Đây có thể coi là một “cú hích” đối với việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông.

Sau khi thực hiện tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ, Cục CSGT sẽ căn cứ tình hình thực tiễn của từng địa phương, từng thời điểm để chỉ đạo mở các đợt cao điểm hoặc xử lý theo các chuyên đề cho phù hợp.

Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Phương Thủy (thực hiện)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/bao-ve-tinh-mang-su-an-toan-cua-nguoi-dan-khi-tham-gia-giao-thong-597694/