Bảo vệ tốt hơn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Ngày 17-6, Quốc hội thảo luận các dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều Luật Đầu tư (sửa đổi) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng với sự đồng thuận cao.

Thảo luận dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật. Và đề nghị Ban soạn thảo rà soát, thể chế đầy đủ các quan điểm, định hướng của Đảng về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Cùng với đó, định hướng rõ việc phát triển hoạt động về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh lực lượng lao động gia nhập thị trường lao động có xu hướng ngày càng giảm. Đặc biệt là đổi mới việc dạy nghề, đào tạo nghề có định hướng, kế hoạch đào tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài hướng đến các thị trường, ngành nghề có mức lương cao, ổn định, an toàn; nâng cao hình ảnh người lao động Việt Nam khi tham gia vào thị trường lao động tại các nước khác trên thế giới...

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải. Ảnh: Viết Hà

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải. Ảnh: Viết Hà

Theo đại biểu Nghiêm Vũ Khải (thành phố Hải Phòng), những năm gần đây, mỗi năm, nước ta có khoảng 130 đến 140 nghìn người đi lao động ở nước ngoài. Hiện tại có khoảng 500 nghìn lao động Việt Nam làm việc tại 40 nước, vùng lãnh thổ, mỗi năm gửi về 2,5 đến 3 tỷ USD. Tính chung từ năm 2016 đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 1 triệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Vì vậy, cần sửa đổi Luật để bảo đảm quyền lợi cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, dự thảo Luật đã được bổ sung nhiều nội dung mới, phù hợp với yêu cầu thực tế của người lao động, doanh nghiệp với mục đích tạo việc làm, nâng cao tay nghề và thu nhập cho người lao động; đồng thời, bảo đảm quyền, lợi ích của các bên; đặc biệt là quyền, lợi ích của người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và xu thế chung của các quốc gia trên thế giới.

Đại biểu tỉnh Thanh Hóa quan tâm đến chính sách đối với người lao động sau khi về nước. Đây là quy định mới, song dự thảo luật chưa quy định đầy đủ, toàn diện, làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc bảo đảm chính sách tái hòa nhập cho người lao động khi về nước, cũng như nguồn lực, cách thức khuyến khích hỗ trợ khởi nghiệp, chính sách cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý đối với một số trường hợp đặc biệt như: Bị bạo lực, xâm hại, lừa đảo, bóc lột sức lao động... khi làm việc ở nước ngoài. Từ đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách này theo hướng quy định chi tiết trong luật hoặc quy định tiêu chí, nguyên tắc để kịp thời bảo đảm bình đẳng về quyền lợi của người lao động sau khi về nước.

Đối với quy định bảo vệ người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu quan điểm, người đi lao động ở nước ngoài có thu nhập khá ổn định, nên góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội, song họ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, bị lạm dụng, bị bạo lực, xâm hại...

Đại biểu nhắc lại vụ thương vong 39 người trong thùng xe tải ở Anh năm 2019 và dẫn một khảo sát cho thấy con số 76% người lao động Việt Nam di cư phải đối mặt với một số hình thức vi phạm quyền lao động và ít được tiếp cận các biện pháp giải quyết pháp lý. "Đề nghị sửa luật lần này cần hoàn thiện cơ chế pháp lý để bảo vệ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” - Đại biểu Kon Tum kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn. Ảnh: Viết Hà

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn. Ảnh: Viết Hà

Tán thành với việc sửa đổi luật, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nhấn mạnh, cần thống nhất quan điểm một người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần tăng cường về chất lượng hơn là về số lượng. Ngoài ra, đại biểu cho biết, một số quốc gia có dân số già rất cần lao động, thậm chí có nhiều chính sách ưu đãi lao động nhập cư...

“Như vậy, đối sách của ta trong luật này phải như thế nào để không bị coi là rào cản; ngược lại, nếu không có quy định chặt chẽ thì Việt Nam lại có nguy cơ bị chảy máu chất xám...”, đại biểu nêu quan điểm. Đồng thời, cho rằng, cuộc tổng điều tra dân số gần nhất là vào ngày 1-4-2019 đã được hơn 1 năm, tức là đã có con số về dân số nói chung, dân số trong độ tuổi lao động nói riêng, trình độ, nghiệp vụ dân số...

“Chúng ta đã có cơ sở để xây dựng pháp luật về lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với nhu cầu trong nước và đi ra nước ngoài làm việc, không để sửa đổi, bổ sung luật nhiều lần” - đại biểu Sơn nhấn mạnh.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ve-tot-hon-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-post429943.html