Doanh nghiệp không thể 'phát triển bền vững một mình'

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp muốn đưa tính bền vững vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, dung hòa giữa lợi nhuận với các sáng kiến phục vụ sứ mệnh.

Doanh nghiệp sẽ đạt được hiệu suất vượt trội khi biết cách hài hòa 3 khía cạnh tăng trưởng, lợi nhuận và ESG

Doanh nghiệp sẽ đạt được hiệu suất vượt trội khi biết cách hài hòa 3 khía cạnh tăng trưởng, lợi nhuận và ESG

Hài hòa mục tiêu lợi nhuận và cộng đồng

Sau siêu bão Yagi, doanh nghiệp trên khắp cả nước đã nhanh chóng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho cộng đồng bị ảnh hưởng thông qua hoạt động quyên góp hoặc chiến dịch cứu trợ tại chỗ. Những hành động thể hiện trách nhiệm với xã hội như vậy là một trong nhiều cách mà doanh nghiệp có thể biểu đạt cam kết của mình đối với lợi ích chung của cộng đồng.

Nhưng làm thế nào để doanh nghiệp có thể thực sự biến các nguyên tắc về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) thành một phần trọng tâm trong chiến lược doanh nghiệp dài hạn? Họ có thể làm gì để hài hòa giữa lợi nhuận với các mục tiêu phát triển bền vững trong hoạt động hằng ngày?

“Trở thành công ty tạo tác động tích cực và trao quyền cho tất cả mọi người cùng tham gia” là cách mà Schneider Electric thực hiện.

Ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia đã nhấn mạnh đến 5 xu hướng lớn gồm cân bằng toàn cầu mới, dịch chuyển về sự thịnh vượng, biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng, số hóa và trí tuệ nhân tạo đang tái định hình thế giới và chiến lược ESG của Schneider Electric.

Các công ty tác động (Impact company) hoạt động dựa trên hai nguyên tắc chính. Thứ nhất, “làm điều tốt để thành công và thành công để làm điều tốt”. Điều này ngụ ý rằng, tính bền vững sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh và tăng trưởng. Đồng thời, kết quả kinh doanh tốt giúp doanh nghiệp có nguồn lực để tạo ra tác động tích cực về môi trường và xã hội. Thứ hai, “trao quyền để mọi người cùng tham gia”.

Ông Lâm chia sẻ: “Tại doanh nghiệp chúng tôi, tất cả các bên liên quan như nhà cung cấp, khách hàng, nhân viên và cổ đông đều được mời trở thành một phần trong hành trình ESG và phát triển bền vững của doanh nghiệp”.

Ví dụ, theo cam kết khí hậu 2021 - 2025 của Schneider Electric, Tập đoàn đặt mục tiêu giúp khách hàng tiết kiệm và tránh được 800 triệu tấn CO2 phát thải. Tập đoàn cũng đặt mục tiêu giảm 50% lượng phát thải CO2 từ hoạt động của 1.000 nhà cung cấp hàng đầu.

Ông Lâm nhấn mạnh: “Doanh nghiệp không thể phát triển bền vững một mình. Chúng ta phải cùng nhau hành động”.

Trong khi đó, Ericsson chọn cách “lập chiến lược kinh doanh theo mục tiêu ESG”. Kể từ khi công bố báo cáo môi trường đầu tiên vào năm 1993, Ericsson đã trở thành hình mẫu tiên phong về phát triển bền vững. Doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong các hoạt động vào năm 2030 và trong chuỗi cung ứng vào năm 2040.

Theo bà Rita Mokbel, Giám đốc Ericsson Việt Nam, các mục tiêu ESG nên là nền tảng để xây dựng chiến lược kinh doanh của mọi doanh nghiệp.

“Lấy ví dụ từ Ericsson, với việc theo đuổi chiến lược mở rộng vị thế dẫn đầu về mạng di động 5G, chúng tôi đang hỗ trợ các mục tiêu về môi trường vì mạng 5G tiết kiệm năng lượng hơn so với các thế hệ trước. Tại Việt Nam, công nghệ mạng di động thế hệ mới mà chúng tôi cung cấp có thể truyền tải lưu lượng gấp 10 lần và giảm tới 30% mức tiêu thụ năng lượng”, bà Mokbel cho biết.

“Một nghiên cứu ước tính rằng, mức độ áp dụng băng thông rộng di động cứ tăng 10% thì GDP sẽ tăng theo ít nhất 0,8%”, bà Mokbel nói thêm.

Sau khi liên kết các mục tiêu ESG với chiến lược kinh doanh, bước tiếp theo là đưa báo cáo ESG vào đánh giá hiệu suất công việc của các lãnh đạo, bên cạnh báo cáo cho toàn doanh nghiệp. Cách tiếp cận này đảm bảo rằng, các cân nhắc về ESG được đưa vào quá trình ra quyết định và trách nhiệm giải trình trên phạm vi toàn tổ chức.

“Ngoài các mục tiêu kinh doanh, mọi lãnh đạo trong doanh nghiệp chúng tôi đều được đánh giá dựa trên các mục tiêu cụ thể về môi trường, xã hội và quản trị”, Giám đốc Ericsson Việt Nam chia sẻ.

Áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện

Tính bền vững sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh và tăng trưởng. Ngược lại, kết quả kinh doanh tốt giúp doanh nghiệp có nguồn lực để tạo ra tác động tích cực về môi trường và xã hội.

Ông Bruce Delteil, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn chiến lược McKinsey & Company Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp ngày nay cần có cái nhìn toàn diện khi định nghĩa thành công.

“Khi tôi mới bắt đầu sự nghiệp tư vấn cách đây nhiều năm, các doanh nghiệp khi xây dựng chiến lược đều xuất phát từ tham vọng liên quan đến quy mô hoặc lợi nhuận, như trở thành công ty lớn nhất hay có lợi nhuận cao nhất. Vài năm sau đó, định nghĩa thành công xoay quanh quản lý hiệu suất với các tiêu chí định lượng và thẻ điểm (scorecard). Bây giờ, định nghĩa thành công đã trở nên toàn diện hơn đối với các doanh nghiệp lớn cũng như các tổ chức nhỏ hơn. Nó bao gồm ESG, sự hài lòng của nhân viên và các yếu tố khác”, ông Delteil kể.

Ông Delteil nhấn mạnh, doanh nghiệp sẽ đạt được hiệu suất vượt trội khi biết cách hài hòa 3 khía cạnh tăng trưởng, lợi nhuận và ESG. Theo nghiên cứu của McKinsey & Company, những công ty có kết quả vượt trội trên cả 3 khía cạnh này có khả năng tăng doanh thu thêm hơn 10% so với các doanh nghiệp khác.

Những công ty vượt trội như vậy có xu hướng tích hợp ESG sâu vào chiến lược cốt lõi và đảm bảo các ưu tiên ESG là một phần không thể thiếu trong “AND” của tổ chức. Họ liên tục đổi mới các dịch vụ ESG và báo cáo về ESG một cách minh bạch. Các tổ chức này cũng sử dụng các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) một cách chiến lược để nắm bắt tăng trưởng ESG.

“Chúng ta đang sáng tạo ra các mô hình kinh tế và mô hình kinh doanh mới. Điều thú vị nhất là chúng ta biết chắc chắn rằng điều này sẽ mang lại giá trị và lợi ích cho tất cả mọi người”, ông Delteil nói.

Minh Ngọc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-khong-the-phat-trien-ben-vung-mot-minh-post354821.html