Bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã điều chỉnh tương đối đầy đủ các vấn đề đã và đang phát sinh trong thực tiễn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, đã có tầm nhìn đối với một số vấn đề có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thời gian tới.

Bổ sung nhiều cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn

- Hiện nay các quy định bảo vệ người tiêu dùng dường như vẫn áp dụng với mô hình kinh doanh truyền thống. Vậy khi phương thức mua bán qua mạng, thương mại điện tử phát triển ngày càng mạnh, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) làm thế nào để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, thưa ông?

Các quy định của Dự thảo Luật đã được bổ sung nhằm điều chỉnh chung cả hình thức kinh doanh truyền thống và kinh doanh hiện đại. Dự thảo Luật đã có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng.

Cụ thể, dự thảo Luật đã quy định về giao dịch trên không gian mạng, giao dịch trên nền tảng số. Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng như quy định chung về trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; trách nhiệm cụ thể của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian; xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số; thực hiện nghĩa vụ nhận ủy quyền của người tiêu dùng trong quá trình giao dịch trên nền tảng số…

Ngoài ra, Chương II dự thảo Luật còn có các quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, giao kết, chấm dứt hợp đồng, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa khuyết tật, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng như công bố… Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 40 về “Trách nhiệm công bố công khai thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng”. Bên cạnh đó, nội dung này cũng được điều chỉnh theo pháp luật về thương mại điện tử cũng như pháp luật khác có liên quan.

Đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, trên cơ sở xác định các đặc điểm riêng và mức độ, xu hướng phát triển mạnh mẽ của phương thức này, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định đặc thù để điều chỉnh, tăng cường hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như phân loại và xác định rõ trách nhiệm tương ứng của chủ thể tham gia thực hiện giao dịch trên không gian mạng.

Quy định một số trách nhiệm bổ sung của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, tổ chức thiết lập, vận hành dịch vụ nền tảng số lớn, cụ thể như đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian có trách nhiệm: công bố công khai đầu mối liên hệ, người đại diện được ủy quyền phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động trên nền tảng số khi người tiêu dùng có yêu cầu; chỉ định, công bố công khai đầu mối tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng; Xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số…

Đối với tổ chức thiết lập, vận hành dịch vụ nền tảng số lớn có trách nhiệm: Thiết lập kho lưu trữ quảng cáo; Đánh giá định kỳ hoạt động kiểm duyệt nội dung…

Quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục trên lãnh thổ Việt Nam mà không có đại diện theo pháp luật tại Việt Nam thì phải chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam và thông báo công khai về đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam.

Bổ sung Điều về trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân kinh doanh, các cơ quan báo chí, tổ chức xã hội trong việc công bố công khai thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng.

Có thể thấy, các quy định của dự thảo Luật đã tạo cơ sở pháp lý để xác định rõ các chủ thể tham gia thực hiện thương mại điện tử, thực hiện giao dịch trên không gian mạng, từ đó nâng cao trách nhiệm của các chủ thể này trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch.

Ảnh: TTXVN

Ảnh: TTXVN

Khi có tranh chấp, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn

- Vậy trong hoàn cảnh hiện nay, người tiêu dùng phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình, thưa ông?

Đề đảm bảo quyền lợi của mình, trước hết NTD phải nắm chắc được quyền và nghĩa vụ của mình, biết rõ mình được Nhà nước bảo vệ như thế nào. Khi đã nắm chắc quy định của pháp luật thì NTD sẽ ở vị thế cân bằng với tổ chức, cá nhân kinh doanh, không còn là bên yếu thế nữa. Khi có tranh chấp xảy ra, NTD có thể lựa chọn phương thức phù hợp nhất với mình (hòa giải, thương lượng, trọng tài, Tòa án) thay vì chỉ khiếu kiện với cơ quan quản lý Nhà nước như thói quen từ trước đến nay.

Ngoài ra, hãy là NTD thông thái, chọn lựa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng để có thể bảo vệ mình tốt hơn, đồng thời, ủng hộ các doanh nghiệp trong nước theo Chỉ thị 03-CT/TW của Đảng về người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giúp nền kinh tế nước nhà ngày càng phát triển.

- Dự thảo Luật đã có cơ chế như thế nào để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia vào công tác bảo vệ người tiêu dùng, thưa ông?

Dự thảo Luật đã có nhiều quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia thực hiện bảo vệ quyền lợi NTD (trong đó có Hội bảo vệ người tiêu dùng) như đại diện người tiêu dùng khởi kiện khi có yêu cầu và ủy quyền hoặc tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi NTD vì lợi ích công cộng; không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí tòa án, tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi của người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng…

Đồng thời, dự thảo Luật đã quy định cụ thể các hoạt động của Hội khi tham gia bảo vệ quyền lợi NTD và phân loại rõ các loại hình tổ chức xã hội để có căn cứ thực hiện việc Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Tùng thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/bao-ve-tot-hon-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-i322114/