Bảo vệ trẻ em cần được quy định mức độ cao hơn và sớm hơn

Thời gian qua, số vụ bạo hành trẻ em tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Theo đó, bảo vệ trẻ em cần được quy định mức độ cao hơn và sớm hơn.

Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Chamaleá Thị Thủy - đoàn Ninh Thuận cho rằng, trong những năm qua Nhà nước ta có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn Bắc Kạn phát biểu thảo luận tại hội trường Diên Hồng

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn Bắc Kạn phát biểu thảo luận tại hội trường Diên Hồng

Nhưng thực tế hiện nay, vấn nạn bạo lực gia đình vẫn đang diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp, không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng đến các quyền của con người.

Vì vậy, đại biểu bày tỏ nhất trí cao với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự thảo Luật lần này đã bổ sung những quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong việc ngăn ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình như: Thông tin, truyền thông, giáo dục, tư vấn hòa giải, các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình, quy định về báo tin, tố giác và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình, các biện pháp để ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình…

“Việc sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định như dự thảo luật là rất cần thiết và phù hợp với mục tiêu phòng, chống bạo lực gia đình - đại biểu Chamaleá Thị Thủy nhấn mạnh.

Để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn trong phòng, chống bạo lực gia đình và để các quy định trên có thể thực hiện trong thực tế, đại biểu Chamaleá Thị Thủy cho rằng, chúng ta cần phải có một cơ chế phù hợp để đảm bảo thực hiện. Cụ thể là phải đảm bảo được nguồn lực về tài chính và nhân lực để đảm bảo thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần phải có đánh giá tác động kỹ hơn về các quy định của dự thảo Luật này và có giải trình cụ thể hơn về tính khả thi đối với các nội dung này.

Đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị dự án luật công phu, nghiêm túc, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn Bắc Kạn tập trung góp ý vào vấn đề phòng chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình.

Đại biểu nêu thực tế, thời gian qua số vụ bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Năm 2021, theo thống kê của Bộ Công an, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em, hầu hết do chính người thân trong gia đình gây ra. Con số này cũng trùng khớp với thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em. Trong tổng số cuộc gọi liên quan đến bạo hành trẻ em thì do chính những người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 75%.

Đại biểu cũng cho rằng, đặc điểm của bạo lực gia đình xảy ra đằng sau cánh cửa của mỗi gia đình, do đó rất khó phát hiện. Hơn thế nữa, nạn nhân bị bạo hành lại là trẻ em nên khó có khả năng phản ánh, phản ứng, dẫn đến thời gian qua xảy ra nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, bị bạo hành trong một thời gian dài và chỉ bị phát hiện khi các em đã được đưa đến viện trong tình trạng đã tử vong hoặc nguy kịch đến tính mạng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích, một trong những nguyên nhân quan trọng đó là do pháp luật còn thiếu hoàn thiện, chưa thật sự phù hợp, nhất là còn thiếu những quy định để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

“Một tiếng kêu cứu của trẻ em, dù bất cứ nơi đâu cũng đều thuộc trách nhiệm của tất cả chúng ta và để việc vào cuộc không bao giờ muộn, trước hết pháp luật phải rõ ràng về trách nhiệm và đầy đủ các biện pháp khả thi, đồng thời các biện pháp bảo vệ trẻ em cần được quy định mức độ cao hơn và sớm hơn” - đại biểu nhấn mạnh.

Do đó, đại biểu kiến nghị 3 giải pháp: Một là, kiến nghị rà soát để khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và trong Luật trẻ em; thứ hai, kiến nghị bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Thứ ba, kiến nghị đối với biện pháp cấm tiếp xúc, đề nghị áp dụng cả đối với trường hợp bạo hành trẻ em trong thời gian chờ Chủ tịch UBND xã, cấp xã lập hồ sơ để đề nghị cơ quan tư pháp có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời cách ly trẻ khỏi gia đình.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-ve-tre-em-can-duoc-quy-dinh-muc-do-cao-hon-va-som-hon-180303.html