Bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn thương tích: Trách nhiệm của nhiều bên
Thời gian qua, đã có không ít vụ việc đau lòng xảy ra khi cha mẹ sơ suất khiến con nhỏ gặp tai nạn thương tâm. Đây cũng là những tiếng chuông cảnh tỉnh đến các bậc phụ huynh và cả xã hội cần sát sao hơn, có trách nhiệm hơn trong việc trông nom, giáo dục bảo vệ sự an toàn cho trẻ.
Một phút sơ sẩy, nỗi đau cả đời
Mới đây, sự việc hai cháu nhỏ bị đuối nước tại một khu du lịch ở Quảng Ninh đã khiến dư luận bàng hoàng, đau lòng. Dẫu biết rằng, người thân của các cháu nhỏ là những người đau lòng nhất, nhưng sự việc cũng xuất phát từ sự lơ là phút chốc của các bậc phụ huynh. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, các cháu bị đuối nước trong lúc bố mẹ không chú ý, mải lo chuyện khác, để các cháu nghịch nước ở hồ bơi.
Cũng trong thời gian này, một clip lan truyền trên mạng cũng khiến nhiều người thót tim. Trong clip, hai em bé đang chơi đùa ở hồ cá koi trong sân nhà, bé trai nhỏ tuổi hơn trượt chân rơi xuống nước. Bé gái lớn hơn sau khi đứng trên bờ gọi em không được đã chạy đi gọi người về cứu em. Cho đến khi người lớn vội vàng chạy lại cứu lên, bé trai đã vùng vẫy dưới nước hơn 1 phút đồng hồ.
Số liệu chính thức của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mỗi năm có đến 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Trong đó, có những vụ sơ sẩy hết sức đau lòng, chỉ vì cha mẹ quên để mắt đến con nhỏ mà con đuối nước ngay trong khuôn viên nhà, trong hồ cá, hồ bơi, thậm chí trong... xô nước nhà tắm. Ngoài đuối nước, thời gian qua, đã có nhiều vụ việc tai nạn xảy đến cho trẻ để lại những hậu quả đáng tiếc như những vụ trẻ ở chung cư cao tầng ngã xuống đất tử vong.
Trong đó, có những trường hợp mẹ mải nấu bếp, hoặc cha mẹ ra ngoài khóa cửa để con trong nhà tự chơi. Một số vụ trẻ bị bỏng nước sôi khi cha mẹ nấu nước trong tầm với của con mà không trông nom con, hoặc những vụ việc trẻ uống nhầm xăng, dầu, chất độc hại đựng trong chai nước khoáng, hay ăn nhầm thuốc diệt chuột đóng gói như kẹo mà người lớn sơ ý để trong nhà. Có những clip cho thấy, cha mẹ mải làm việc, để con nhỏ chạy thẳng từ trong nhà ra đường lớn, lao vào xe đang chạy, khiến tai nạn, thương vong xảy ra.
Người lớn có trách nhiệm bảo vệ trẻ an toàn
Thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân đuối nước đứng đầu, còn rất nhiều tai nạn đáng tiếc khác xảy ra liên quan đến các tai nạn về điện hoặc điện giật, xâm hại tình dục, bỏng, ngã, cháy…
Luật Trẻ em quy định cha, mẹ phải có trách nhiệm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em; dành điều kiện tốt nhất theo khả năng cho sự phát triển liên tục, toàn diện của trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi; trau dồi kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em; tạo môi trường an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em... Chính vì thế, một khi để xảy ra tai nạn không hay, gây tổn hại đến trẻ, trách nhiệm trước hết thuộc về các bậc phụ huynh.
Theo các chuyên gia, để bảo vệ con, cha mẹ trước hết cần thường xuyên giám sát con cái, đặc biệt trong những hoạt động có nguy cơ cao. Cha mẹ cần bảo đảm rằng nhà cửa an toàn, không để những vật dụng nguy hiểm trong tầm tay trẻ nhỏ. Cha mẹ cũng cần dự phòng tất cả những rủi ro có thể xảy đến trong nhà, ở môi trường xung quanh con để mà có phương án bảo vệ con.
Tuy nhiên, bên cạnh việc theo sát, bảo vệ con, thì việc giáo dục kiến thức và kĩ năng an toàn để con tự bảo vệ mình cực kì cần thiết, đặc biệt là khi con ngày một lớn lên. Cha mẹ cần cho con hiểu ranh giới an toàn đối với môi trường xung quanh mình, giáo dục con cách bảo vệ chính bản thân mình trong những trường hợp cụ thể. Cạnh đó, trang bị đầy đủ cho con các kĩ năng như bơi lội, tự vệ, báo động, thoát hiểm... cũng cực kì cần thiết.
Việc trông coi và bảo vệ trẻ, có thể nói là trách nhiệm phải có mỗi bậc cha mẹ. Nhưng để mỗi đứa trẻ được bình an khôn lớn, phát triển toàn diện và hạnh phúc, chỉ mỗi sự nỗ lực của cha mẹ là không đủ. Đó còn là trách nhiệm cần có của nhà trường, của toàn xã hội trong việc tạo ra một môi trường sống an toàn, lành mạnh, tăng cường giáo dục kiến thức và kĩ năng, khiến trẻ có thể thoải mái phát triển mà không đối diện nhiều nguy cơ và rủi ro.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH - ông Đặng Hoa Nam cho biết, năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh nước ta phải chịu hậu quả nặng nề, lâu dài của dịch bệnh COVID-19 và những biến động, biến cố quốc tế.
Các giải pháp, mô hình can thiệp đã đề ra phải được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho trẻ em nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 về trẻ em.
Vấn đề hiện nay là cần phải tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em. Tiếp tục chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em, cả những vấn đề tồn tại dai dẳng và mới phát sinh, chú trọng việc phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, bảo vệ tính mạng, sức khỏe trẻ em từ sớm, từ xa.